Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Sứ Đồ: Tiếp tục thực hiện nghiêm Công Vụ 4:19 về đạo Tin Lành


Phó Thủ tướng: Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 01 về đạo Tin lành







CHU THANH VÂN (TTXVN/VIETNAM+) LÚC : 05/11/15 16:42

 

Đạo Tin lành trước khi thực hiện Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành thực sự là vấn đề tôn giáo nóng và thời sự ở trong nước.


Sự phục hồi mạnh mẽ của đạo Tin lành đã tạo ra những xung đột văn hóa khá gay gắt với tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống. Lợi dụng tình hình này, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã dùng vật chất mua chuộc, dụ dỗ một bộ phận tín đồ, chức sắc đạo Tin lành, lấy tôn giáo làm vỏ bọc cho âm mưu thành lập "Nhà nước Đêga" ở Tây Nguyên và "Vương quốc Mông tự trị" ở khu vực miền núi phía Bắc.




Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 01, tình hình đạo Tin lành và công tác đối với đạo Tin lành đã có sự chuyển biến rõ nét. Đây là đánh giá của Ban Tôn giáo Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 01, diễn ra vào sáng 5/11. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.


Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Chỉ thị số 01 không những nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với đạo Tin lành mà còn góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh chống địch lợi dụng đạo Tin lành và công tác đối ngoại, giúp cộng đồng thế giới hiểu rõ hơn chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam.


Báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ và tham luận của các Bộ, ngành, địa phương cho thấy Chỉ thị số 01 đã làm thay đổi rõ nét nhận thức về đạo Tin lành và công tác đối với đạo Tin lành trong toàn hệ thống chính trị, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc. Đến nay, 54/63 tỉnh, thành phố có đạo Tin lành đã công nhận và cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho trên 600 Chi hội, hơn 2.700 điểm nhóm của gần 40 tổ chức, nhóm, phái Tin lành khác nhau.

Đa số chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Tin lành ý thức được sự chăm lo của Đảng, Nhà nước trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Mối quan hệ giữa chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Tin lành với chính quyền các cấp được cải thiện, chuyển từ xa lánh, co cụm sang gần gũi, tin cậy, chia sẻ trách nhiệm và hợp tác.



Thực hiện Chỉ thị số 01 đã làm chuyển biến căn bản tình hình đạo Tin lành từ chỗ phát triển nhanh, đột biến đến ổn định hơn, giảm khiếu kiện và các vụ việc phức tạp. Các tổ chức Tin lành sau khi được Nhà nước công nhận hoạt động tôn giáo ổn định, đúng quy định của pháp luật hơn và giảm phụ thuộc bên ngoài. Chức sắc, tín đồ phấn khởi, tin tưởng, cởi mở và hợp tác với các cấp chính quyền.


Chỉ thị đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của quần chúng nhân dân theo đạo Tin lành, từ đó đã giúp đồng bào theo đạo Tin lành, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc và Tây nguyên yên tâm, ổn định sản xuất, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, sống tuân thủ pháp luật và chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh chống hoạt động lợi dụng đạo Tin lành. Các ảnh hưởng tiêu cực của giai đoạn đầu truyền giáo, như xung đột văn hóa, di dịch cư tự do, khiếu kiện, mâu thuẫn giữa người theo đạo và người không theo đạo giảm dần...


Đạo Tin lành cũng góp phần loại trừ một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, hướng tín đồ đến nếp sống văn minh như không say rượu bia, hôn nhân một vợ một chồng... Một số tổ chức Tin lành bắt đầu có ý thức trong việc hội nhập và góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc, như văn hóa cồng chiêng ở Tây Nguyên.


Các đại biểu cho rằng qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 01, hệ thống chính trị ở cơ sở từng bước được củng cố, số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên là tín đồ đạo Tin lành tăng qua các năm. Chỉ thị đã tạo cơ sở pháp lý và thực tiễn cho công tác vận động quần chúng và đấu tranh chống lợi dụng đạo Tin lành.

Những kết quả đạt được trong công tác tôn giáo đã góp phần quan trọng làm thay đổi quan điểm của nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài quan tâm đến tình hình tôn giáo và đạo Tin lành ở Việt Nam, từ chỗ quan ngại đi đến sự chia sẻ, đồng thuận và có những đánh giá tích cực, qua đó tạo điều kiện thuận lợi đưa Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO, thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và buộc Mỹ đưa nước ta ra khỏi danh sách CPC (danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo), ký quy chế Quan hệ Thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhìn nhận, nhận thức và kiến thức đối với đạo Tin lành và công tác đối với đạo Tin lành trong hệ thống chính trị chưa theo kịp tình hình thực tế. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo ở địa phương vẫn định kiến và giữ quan điểm cứng rắn đối với đạo Tin lành. Đây cũng là điều được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra tại Hội nghị.



Phó Thủ tướng cho rằng mặc dù đã đạt những chuyển biến tích cực, thể hiện sự tôn trọng quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật, đoàn kết giữa người theo đạo và không theo đạo tốt hơn, các chức sắc tôn giáo tôn trọng chính quyền, xung đột văn hóa, ảnh hưởng tiêu cực của đạo Tin lành giảm đáng kể, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thế giới công nhận Việt Nam cởi mở hơn, tôn trọng nhân quyền, tôn giáo, song, nhận thức đối với đạo Tin lành và công tác đối với đạo Tin lành ở một số nơi chưa toàn diện, nhiều nơi còn định kiến về đạo Tin lành, cho là xấu, chống lại chính quyền. Có nơi buông lỏng, coi nhẹ, không quan tâm lãnh đạo nhưng ngược lại, cũng có nơi quản lý rất chặt chẽ, gây khó khăn. Công tác tranh thủ chức sắc, chức việc, xây dựng cốt cán trong tôn giáo còn nhiều bất cập chưa được quan tâm.

Tình hình đạo Tin lành còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp, một số tổ chức, hệ phái chưa được công nhận. Việc cấp đăng ký sinh hoạt điểm nhóm còn bất cập, thiếu sự quan tâm. Công tác quản lý điểm nhóm sau đăng ký còn bị động, lúng túng. Còn tình trạng sử dụng nhà riêng làm nơi sinh hoạt gây khó khăn cho công tác quản lý. Các thế lực thù địch lợi dụng đạo Tin lành và tìm sơ hở trong công tác đối với đạo Tin lành để can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, những phức tạp, bất cập này là vấn đề cần lưu ý, không thể mất cảnh giác.


Nhấn mạnh về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới trong công tác đối với đạo Tin lành, Phó Thủ tướng nêu rõ phải lãnh đạo một cách khéo léo, đúng mức, chặt chẽ công tác tôn giáo, có phương pháp, cách làm phù hợp với nhận thức, đặc điểm từng tôn giáo. Cấp ủy, chính quyền phải nhận thức được lãnh đạo tôn giáo khác lãnh đạo trong Đảng, mềm mỏng hơn, thuyết phục hơn, đặc biệt là lãnh đạo các chức sắc, chức việc Tin lành tuân thủ pháp luật về tôn giáo; thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.



Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chỉ thị 01, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, tinh thần là không cấm nhưng không khuyến khích, tôn trọng tự do tín ngưỡng và nguyện vọng của nhân dân nhưng đồng thời yêu cầu phải là một tôn giáo thuần túy và đạo Tin lành phải được đưa vào quản lý. Nghiêm trị lợi dụng đạo Tin lành để chống phá cách mạng, gây mất ổn định xã hội, đoàn kết trong nội bộ nhân dân, làm tốt công tác phòng ngừa mặt trái này. Tổ chức tuyên truyền quán triệt phổ biến sâu rộng chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo nói chung và đạo Tin lành nói riêng, thực hiện tốt các chương trình kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào vùng sâu, vùng xa có điều kiện vật chất, tinh thần tốt hơn.



Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác vận động chức sắc, chức việc, tín đồ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đưa hoạt động của đạo Tin lành đi vào nề nếp, động viên chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, thực hiện phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc, tuân thủ pháp luật; hướng dẫn các tổ chức Tin lành đã được cấp công nhận đăng ký sinh hoạt tuân thủ pháp luật, tham gia giữ gìn, phát huy bản chất văn hóa tốt đẹp của dân tộc, các hội Thánh ổn định và đoàn kết nội bộ, độc lập với bên ngoài, củng cố bộ máy tổ chức theo Hiến chương, Điều lệ được nhà nước công nhận, đi kèm với đó là kịp thời chấn chỉnh các hoạt động trái pháp luật.


Phó Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện tốt việc xây dựng cốt cán phong trào trong Tin lành, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc lãnh đạo trong tổ chức Tin lành - đây là khâu yếu cần khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chủ trương công tác đối với đạo Tin lành, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, thực hiện cấp đăng ký sinh hoạt theo điểm nhóm cho các hệ phái, nhóm Tin lành theo trình tự thủ tục quy định, phù hợp với đặc điểm phân bố từng khu vực, từng địa phương; tạo điều kiện cho chức sắc, chức việc, tín đồ Tin lành hoạt động từ thiện nhân đạo, tham gia làm tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, hội viên các đoàn thể, đại biểu các cấp, xem xét kết nạp đảng viên là quần chúng tốt theo quy định.



Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề kiên quyết đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo, đặc biệt đội lốt đạo Tin lành để kích động đồng bào, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước; các địa phương giải quyết dứt điểm các tranh chấp, khiếu kiện, không để phức tạp kéo dài thành điểm nóng; đẩy mạnh tuyên truyền về công tác tôn giáo.


Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng III cho Ban Tôn giáo Chính phủ do có thành tích xuất sắc trong công tác đối với đạo Tin lành. Nhiều tổ chức, cá nhân có thành tích trong 10 năm thực hiện Chỉ thị cũng đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ./.
Sứ Đồ: Tiếp tục thực hiện nghiêm Công Vụ 4:19 về đạo Tin Lành

“Xin các ông hãy suy xét, trước mặt Đức Chúa Trời có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng?”

Chu Thang
November 9, 2015

Bài viết này trả lời từng lập luận của Nhà Nước Việt Nam để nói lên chính nghĩa Nhà Thờ Việt Nam dựa vào Lời Thiên Chúa.


Đạo Tin Lành đến Việt Nam chính thức ngày 18/9/1911 trước khi có Đảng Cộng Sản Việt Nam và luôn đem lại sức sống văn minh và cải thiện đời sống người dân trong nước.

Sự đàn áp đạo Tin Lành dã man vẫn không dập tắt được sự phục hồi mạnh mẽ của đạo vì đạo có quyền năng Thánh Linh biến hóa những người có tập tục, văn hóa, tôn giáo mê tín dị đoan thành người văn minh.  Đạo luôn nói và làm đi đôi nên đã bỏ rất nhiều tiền để giúp đỡ người nghèo, xây dựng trường học, xây dựng nhà thương, bệnh xá, và lên tiếng đòi hỏi công bằng bác ái nên đã cải đạo hàng trăm nghìn người H’mong miền núi Bắc.

Tuy nhiên, sau 40 năm đàn áp đạo Tin Lành, đạo có sự chuyển biến rõ nét. Đó là hình thành các Nhà Thờ tư gia không chịu khuất phục đàn áp của Nhà Nước.  Thêm nữa, các làn sóng người xuất khẩu lao động đã theo đạo và khi trở về quê nhà đã làm chứng cho thân bằng quyến thuộc về quyền năng đạo đã biến đổi đời mình.

Chỉ thị 01 sai trái với Tuyên Ngôn Nhân Quyền LHQ về tự do tín ngưỡng, thậm chí đi ngược dòng lịch sử trở lại thời Trung Cổ khi Nhà Nước khống chế Nhà Thờ, chụp mũ đạo Tin Lành bị “địch lợi dụng” để ra tay đàn áp các mục sư và người hướng dẫn đạo phải bị tù đày, đánh đập và mất quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Báo cáo của Facebook và các mạng truyền thông xã hội cho thấy đạo Tin Lành tiếp tục bị tấn công, bách hại trong toàn hệ thống chính trị, nhất là các nơi hẻo lánh miền núi phía Bắc. Đến nay, nhiều nhà nguyện, phòng nhóm không được giấy phép xây cất, không được sinh hoạt tôn giáo tại tư gia.  Nhiều tín hữu Tin Lành phải bỏ làng đi vì công an xã xúi dân bản làng phá phách và đập phá nhà riêng tín hữu khi nhóm họp.

Đa số chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Tin Lành ý thức sự chăm lo của Đức Chúa Trời nên không cần Đảng xen vào đời sống vật chất, tinh thần, vì họ biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời và đất.  Mối quan hệ giữa chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Tin Lành với chính quyền các cấp là gượng ép, muốn xa lánh, co cụm nhưng bị ép buộc nên phải hợp tác.

Thực hiên Chỉ Thị 01ra năm 2005 đã chứng tỏ sự bất lực của thế lực Nhà Nước đàn áp đạo Tin Lành không nổi và bị liệt vào danh sách CPC (Countries of Particular Concern, Các Nước bị Quan Ngại Đặc Biệt vì đàn áp tôn giáo) từ 2004-2006.  Các tổ chức Tin Lành sau khi được Nhà Nước công nhận lại càng bị xiết cổ hơn thậm chí Nhà Thờ phải nộp giáo trình học, lý lịch sinh viên, lịch sinh hoạt.

Chỉ thị đó không để tự do sinh hoạt tôn giáo chính đáng của quần chúng nhân dân theo đạo Tin Lành, nhưng khoe khoang “giúp đạo Tin Lành, nhất là đồng bào dân thiểu số ở miềm núi phía Bắc và Tây Nguyên.”  Tín đồ đạo Tin Lành tự giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt các tín đồ Hải Ngoại đã gửi tiền cứu đói và cứu khổ qua các hoạt động xã hội từ thiện nhân đạo gián tiếp và trực tiếp đến hàng tỉ đô-la Mỹ mỗi năm.  Họ luôn quan tâm truyền giáo theo Đại Sứ Mạng của Chúa Cứu Thế Gìêsu với tinh yêu thương vô điều kiện nên đã xóa dần ác cảm của người chưa tin là “Công Giáo đạo của Pháp, Tin Lành đạo của Mỹ.”

Đạo Tin Lành góp phần loại trừ những hủ tục lạc hậu, mê tin dị đoan, tệ nạn xã hội mà Nhà Nước bất lực.  Điển hình, Nam Quốc Trung và mục sư Đinh Hùng với những trại cai nghiện hiệu quả; hoặc dân tộc Gia-rai ở Pleiku từ khi theo đạo đã bỏ ba tệ nạn: phù thủy, nam lẫn nữ nghiện thuốc lá và rượu từ lúc năm tuổi.

Các tín hữu thấy rõ rằng qua 10 năm thực hiện Chỉ Thị 01, hệ thống chính trị đã len lõi vào từng bước củng cố, số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên đội lốp chiên Tin Lành tăng qua các năm. Tín hữu Tin Lành chính thống vẫn là kẻ thù của Đảng nên công an không được lấy vợ/chồng là tín đồ Tin Lành hoặc Công Giáo.

Những kết quả đạt được trong công tác tôn giáo đã chứng tỏ sự vi phạm nhân quyền của Nhà Nước vào Nhà Thờ nên nhiều tổ chức, cá nhân nuớc ngoài quan tâm đến tình hình tôn giáo và đạo Tin Lành ở Việt Nam đã tạo sức ép quốc tế khiến chính phủ Việt Nam đã nới lỏng tay sắt đàn áp mới được cho làm thành viên WTO, thành viên không thường trực của HĐBALHQ và được Mỹ lấy ra khỏi danh sách CPC năm 2006 (một năm sau khi Nhà Nước vì sợ mà đưa ra Chỉ Thị 01) và được qui chế Quan Hệ Thương Mại.



Tuy nhiên, nhận thức và kiến thức đối với đạo Tin Lành và công tác đối với đạo Tin Lành trong hệ thống chính trị không thể theo kịp tình hình thực tế.  Điển hình là Trung Quốc mỗi ngày có 40 ngàn người tin theo đạo Tin Lành với tổng số hiện nay gần 200 triệu tín hữu.  Taị Việt Nam số tín hữu Tin Lành năm 1975 là 90 ngàn, hiện nay là 1,5 triệu trong đó 600 ngàn là các sắc tộc Tây Nguyên, 300 ngàn H’mông.

Phó Thủ Tướng có cho rằng thế nào đi nữa, đạo Tin Lành tiếp tục phát triển khắp ba miền Nam, Trung, Bắc và đem bình an và đoàn kết đến mọi nơi, đến nỗi có câu tục ngữ “người Tin Lành tốt lắm.”  Điển hình mục sư Nguyễn Xuân Bảo ở Mỹ đã thành lập hội thánh Trưởng Lão tại Việt Nam, cùng các hệ phái Tin Lành khác với sự giúp đõ tài chánh từ Mỹ, đã góp phần xóa đói giảm nghèo nên giúp ổn định xã hội và giảm tội ác hình sự giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.  Tuy nhiên, đạo Tin Lành vẫn chưa thực có tự do tín ngưỡng theo bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền LHQ vì gần đây nhất nhiều nhóm truyền đạo bị đuổi về ở những vùng Tây Nguyên, không được tự do truyền đạo, tự do chọn lựa chức sắc, chức việc, xây dựng cốt cán trong tôn giáo theo ý tín hữu.




Tình hình đạo Tin Lành rõ ràng bị phức tạp bởi Nhà Nước xen vào Nhà Thờ nên nhiều tổ chức, hệ phái không được công nhận.  Công tác quản lý điểm nhóm bằng bạo động và đe dọa khiến tin hữu bị bức xúc nên tự lập Hội Thánh Tư Gia.  Các thế lực đạo Tin Lành là quyền năng Đức Chúa Trời để can thiệp vào nội bộ dân tình với mục đích duy nhất đem công bằng và công lý cho mỗi người dân vì mọi người đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa.  Những thế lực nào chống nghịch lại thế lực Đức Thánh Linh sẽ bị Đức Chúa Trời phán xét đúng kỳ hạn của Ngài.

Khi nhấn mạnh về phương hướng nhiệm vụ sắp tới trong công tác đối với đạo Tin Lành, Phó Thủ Tướng “nêu rõ phải lãnh đạo một cách khéo léo” càng chứng tỏ Nhà Nước khuynh loát Nhà Thờ, Nhà Nước thống trị Nhà Thờ.  Nhà Nước không hiểu rằng “NhàTa sẽ gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân hay sao?” (Mác 11:17).  Cấp ủy, chính quyền phải nhận thức rằng họ không được quyền lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt đạo Tin Lành, vì Chúa Giêsu là đầu Hội Thánh và duy mhất Chúa Thánh Linh có quyền lãnh đạo Hội Thánh qua việc thiên triệu chức sắc, chức việc.

Phó Thủ Tướng càng “nhấn mạnh, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương…” thì càng lộ độc tài vi phạm quyền làm người ghi trong bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ký ngày 10 tháng 12 năm 1948, buộc các nước thành viên LHQ phải tuân theo trong đó có Việt Nam.  Nhà Nước Việt Nam rõ ràng qua Chỉ Thị 01 đã trở lại thời Trung Cổ Châu Âu với chính sách Nhà Nước lãnh đạo Nhà Thờ đã gây bao đổ máu cho các tín hữu Tin Lành vô tội, đưa nhân loại vào thời kỳ Hắc Ám Thuộc Linh suốt 1,000 năm mãi cho đến cuộc Cải Chánh do mục sư Martin Luther khởi sướng khi niêm yết 90 luận điểm cải chánh năm 1517.  Đồng bào vùng sâu, vùng xa, tin theo đạo Tin Lành nhiều nhất (2/3 tổng số tín hữu) nên đời sống được Chúa ban phước về vật chất lẫn tinh thần tốt hơn.

Phó Thủ Tướng chẳng làm gì được để “động viên chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo” vì bản thân tín hữu Tin Lành được biến hóa bởi Chúa Thánh Linh từ tội nhân thành thánh nhân, từ ghét người thành yêu người, từ nghiện ngập thành tự do, từ tham nhũng thành tham việc lành.  Tín hữu Tin Lành phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ Quốc, luôn tuân thủ pháp luật bao lâu pháp luật đó không ngược lai pháp luật ghi rõ trong Kinh Thánh.  Các hội thánh ổn định và đoàn kết nội bộ vì là các chi thể của cùng một thân với Chúa Giêsu là đầu Hội Thánh, cho nên không thể độc lập nhưng kết nối với các hội thánh địa phương trong và ngoài nước qua sự soi sáng và dẫn dắt của Thánh Linh.


Phó Thủ Tướng một lần nữa lại đi ngược dòng lịch sử khi “yêu cầu thực hiện tốt việc xây dựng cốt cán phong trào trong Tin Lành.”  Cốt cán phong trào Tin Lành chính là do “Đức Thánh Linh đã đặt anh em làm giám mục, để chăn dắt hội thánh của Đức Chúa Trời mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình. . . sẽ có muông sói dữ tợn xen vào giữa anh em, chẳng dung tha bầy chiên đâu” (Công Vụ 20:28, 29).  Nhà Nước rất sợ tín hữu Tin Lành vùng Tây Nguyên miền núi phía Tây Bắc vì anh chị em đó chiếm 2/3 tổng số tín hữu Tin Lành và đức tin họ rất mãnh liệt và thuần khiết nên mới tồn tại được tới hôm nay dù trải qua hàng chục năm bị bách hại dã man, nhiều nhân chứng sống còn lại hôm nay sẵn sàng làm chứng nếu Nhà Nước dám ra trước Toà Án Nhân Quyền Quốc Tế.

Cuối cùng, Phó Thủ Tướng “kiên quyết đấu tranh với âm mưu . . . đội lốt đạo Tin Lành . . . chống phá Đảng, Nhà Nước.”  Kinh Thánh ghi rõ trong Rô-ma 13:1 là tin hữu đạo Chúa phải tuân phục Nhà Nước, chính vì thế Sa-tan lợi dụng điều này để dùng Nhà Nước làm theo ý nó, bóp méo Lời Chúa để lừa tín hữu im lặng trước điều ác.  “Ai thấy đều lành mà không làm là phạm tội” (Gia-cơ 4:17)

Tại Tòa Án Trắng, Vua của muôn vua sẽ định tội những kẻ bách hại tín hữu Tin Lành.  Huân chương của tín hữu là mão triều thiên không hư nát khi Chúa Giêsu trở lại.  Thành tích của họ là chinh phục linh hồn cho Chúa và sống càng ngày càng trở nên giống Chúa và không chỉ 10 năm nhưng suốt đời thực hiện Đại Sứ Mạng truyền giáo muôn dân.

Mục sư D. James Kennedy nhận định: 1) Tất cả thẩm quyển đều từ Thiên Chúa. 2) Tất cả thẩm quyền con người được ban cử cho từ Đức Chúa Trời. 3) Không thẩm quyền con người nào có thể hủy bỏ được thẩm quyền của Đức Chúa Trời. 4) Nếu những luật nghịch lại Kinh Thánh như thế, Cơ-đốc-nhân bắt buộc phải bất tuân chúng trong lương tâm. 5) Họ bắt buộc phải chuẩn bị chịu thống khổ vì những hệ lụy của những hành động của họ.