Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Sỉ Nhục Lớn



Sỉ Nhục Lớn

By Thang Chu                                                                               April 30, 2014



 Theo tôi sỉ nhục lớn nhất cho Cơ-đốc-nhân là không dám giống đấng Cơ-đốc.  


Hầu hết các Cơ-đốc-nhân đều xác định rằng mình sẽ không bao giờ giống đấng Cơ-đốc điểm 9/10, thậm chí điểm 5/10 cũng không dám.

Nhưng không dám giống Chúa Giêsu là sỉ nhục lớn cho người theo Chúa Giêsu.

Trước hết, đó là sỉ nhục lớn cho đấng Cơ-đốc Giêsu.  Chính miệng Chúa Giêsu phán, “Ta ban cho các con điều răn mới, đó là các con phải yêu thương nhau.  Như Ta đã yêu thương các con thể nào, các con cũng phải yêu thương nhau thể ấy.” (Giăng 13:34-35).  “Như Ta đã yêu các con thể nào, các con cũng phải yêu thương nhau thể ấy.”   

Như vậy, Cơ-đốc-nhân nào nói rằng mình không thể giống, thậm chí không dám giống đấng Cơ-đốc Giêsu, chẳng khác gì nói Chúa Giêsu nói “láo.”  Chúa nói “láo” vì ra lệnh làm điều không thể làm được là Cơ-đốc-nhân phải yêu anh chị em cùng họ Cơ như chính Chúa yêu họ.  

Nhưng Chúa Giêsu không hề nói láo.  Ngài biết môn đồ Ngài sẽ làm được nên mới ra lịnh đó.  Để họ làm được, Chúa Giêsu dùng “thần năng Ngài, ban cho chúng ta mọi điều cần để sống và tin kính . . . mà được dự phần vào bản tánh của Đức Chúa Trời” (2 Phi-e-rơ 1:3, 4).  

Quả thật, với thần năng siêu việt đó tác động trong lòng Cơ-đốc-nhân, con người hung bạo Phao-lô sau khi tin Chúa đã dám tuyên bố, “Hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước đấng Cơ-đốc” (1 Côr 11:1). 

Kinh Thánh chỉ rõ tám bước cho chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu trong 2 Phi-e-rơ 1:5-7 như họa đồ sau: 


                                                                                                                                          A-ga-pê
                                                                                                                        Phi-lê-ô
                                                                                                     Kiên Trì
                                                                           Tiết Chế
                                                  Hiểu Biết
                 Việc Lành
Đức Tin                                    



        


Có lẽ cuộc đời theo Chúa Giêsu của chúng ta thăng giáng giữa bước 1 và 8, nhưng với quyền năng phục sinh, chúng ta sẽ giống Chúa 99%.  Một phần trăm còn lại để dành ngày Chúa đến khi chúng ta gặp Ngài mặt đối mặt: “Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ được giống như Ngài” (1 Giăng 3:2).                                 

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Thơ Cho Mẹ



By Thang Chu                      Michigan   1995
  

            Lễ Mẹ Chúa Nhật tuần này,
Lòng con bỗng nhớ về ngày xa xưa.
            Ngày mẹ vất vả sớm trưa,
Nuôi đàn con dại đủ vừa bữa cơm.
            Bố đi “cải tạo” đã hơn
Mười năm cách biệt bao cơn sóng dồi.
            Tảo tần mình mẹ mà thôi,
Khi thời bán gạo, khi thời buôn xa;
            Khi thời bán mắm, bán cà;
Khi thời mượn nợ cho qua tháng ngày.
            Khi đầu kia, lúc đầu này 
Nắng mưa cũng lội, heo may cũng chèo. 

            Lúc ấy con bé tí teo
Con nào đã hiểu gieo neo mẹ gồng.
            Mẹ gồng, mẹ gánh bão giông, 
Mẹ gồng mẹ gánh nuôi chồng nuôi con.
            Một lòng chung thủy sắt son,
Một lòng hai chữ chồng con, con chồng.
            Cát đời nặng sóng biển đông,
Khiến mẹ ngã bệnh tưởng không qua rồi.
            Trên giường mẹ nhắn đôi lời:
“Các con cầu nguyện Chúa Trời cho me.
            “Xin Đức Chúa Trời chở che,
“Cho mẹ khỏe lại như hè năm xưa.
            “Mẹ mà ngã xuống bây chừ,
"Các con nhỏ dại ai đưa dẫn đường!”
            Chúng con kẻ khóc người thương;
Đứa thì ngơ ngác, đứa dường như điên;
            Đứa kêu: “Chúa! Chúa!” liên miên;
Đứa thì qùy gối lặng yên khẩn cầu.
            Thế rồi Chúa nhậm lời mau;
Mẹ dần hồi tỉnh, khởi màu hồi sinh.
            Nhưng mẹ vừa dứt bịnh tình,
Lao thân kiếm sống quên mình nuôi con.
            Còn trời, còn nước, còn non;
Con còn nhớ đến công ơn mẹ hiền.
            Nguyện Chúa đội mão triều thiên
Cho tất cả các mẹ hiền ở đây.
            A-men! A-men! A-men!

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Bình An của Chúa Giêsu



By Thang Chu                                                                                               April 26, 2014

 
Điều đầu tiên Chúa Giêsu ban cho các sứ đồ sau sự phục sinh là sự Bình-An-của-Chúa (BAC).  “Họ còn đang nói về các việc ấy, chính Đức Giêsu đã đứng giữa họ mà bảo: ‘Bình an cho các con!’” (Lu-ca 24:36).

Không gì cần hơn cho các sứ đồ đang trong sợ hãi và tuyệt vọng bằng BAC.  Thật ra, Chúa Giêsu đã báo cho họ biết trước về BAC rồi: “Ta để lại sự bình an cho các con.  Sự bình an Ta ban cho các con không phải như của thế gian cho.  Đừng sờn lòng nản chí và sợ hãi.” (Giăng 14:27).

Vậy BAC có gì đặc biệt khiến môn đồ không còn sờn lòng nản chí và sợ hãi nữa?  BAC có gì khác sự bình an của thế gian đến từ bảo đảm vật chất và tiền bạc?

BAC có bốn đặc điềm theo nguyên ngữ Kinh Thánh tiếng Hy-lạp eivrh,nh, ê-re-nê.

Trước hết.  BAC ê-re-nê theo nghĩa đen là tình trạng hòa bình, ngược với xung đột vũ trang (Lu-ca 14:32); theo nghĩa bóng là sự thỏa thuận giữa hai bên, ngược với sự chia rẽ (Giăng 3:18).

Thứ hai, BAC ê-re-nê là sự đặt vào yên nghĩ nội tâm và hòa hợp bình an, thoát khỏi lo lắng như được dùng trong Rô-ma 15:13,

Cầu xin Đức Chúa Trời là nguồn hy vọng ban cho anh chị em đầy dẫy mọi sự vui mừng và bình an khi anh chị em tin cậy Ngài, đến nỗi anh chị em đầy tràn niềm hy vọng bởi quyền năng Thánh Linh!
Thứ ba.  BAC ê-re-nê là tình trạng hòa thuận với Đức Chúa Trời như trong Giăng 5:22a, 

            Trái Thánh Linh là yêu thương, vui mừng, bình an.

Thứ tư.  Cuối cùng, BAC ê-re-na là tình trạng thời kỳ cuối, là sự cứu rỗi cho của nhân loại nhờ sự tể trị của Đấng Christ như trong Lu-ca 2:14, 

            Vinh danh Thượng Đế trên trời, bình an dưới đất cho người Ngài thương.”  

Hoặc trong Công Vụ 10:36, 

Đây là sứ điệp của Đức Chúa Trời gửi cho người Y-sơ-ra-ên, nói về Phúc Âm bình an qua Chúa Cứu Thế Giêsu, là Chủ Tể của mọi người.
Tóm tắt lại bốn đặc điểm BAC ê-re-na, bình-an-của-Chúa, là sự bình an có hòa hợp, có hòa thuận giữa người và Trời, có nội tâm được yên nghĩ không lo lắng nhờ quyền năng Thánh Linh, có trái Thánh Linh, và có sự tể trị của Đấng Christ trong lòng. 

Vậy bình-an-của-Chúa, BAC e-rê-na, thật là quà tặng miễn phí nhưng vô giá, có tác dụng chữa bệnh lo lắng, sợ hãi, hận thù, nghi ngờ, tuyệt vọng, và nhất là, như Châm Ngôn 14:30 nói, 

            Tấm lòng bình an là sự sống của thể xác;
            Nhưng ghen ghét làm xương cốt mục nát. 


           

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Phép Lạ Lớn Nhất



By Thang Chu                                                                                              April 25, 2014



Ai cũng thích phép lạ vì phép lạ đem lại cái lạ!  Nhưng đâu là phép lạ lớn?  Có phải là bệnh cancer được lành?  Thậm chí người chết sống lại?  Không.

Để tìm phép lạ, trước hết ta phải định nghĩa phép lạ là gì.  Phép lạ là điều xảy vượt khỏi khả năng con người, cái con người không làm được.  Ví dụ, bệnh nhân cancer thời kỳ cuối và các bác sĩ đã đầu hàng, nhưng tự nhiên lành bệnh.  Điều này chúng ta đã trải qua hoặc nghe hoặc thấy trong vòng bạn hữu.  

Vậy thiên nhiên cũng là phép lạ.  Ví dụ, dưỡng khí là phép lạ, vì không ai pha chế được dưỡng khí.  Hoặc sự sống là phép lạ vì không ai sáng tạo được sự sống.

Cho nên Chúa Giêsu hay dùng thiên nhiên, là phép lạ, đưa vào giảng đạo.  Rồi sau khi Ngài bày tỏ phép lạ phục sinh, Ngài không bảo các môn đồ rao giảng về phép lạ, mà rao giảng về ăn năn.  “Hãy nhân danh Ngài truyền giảng cho các dân tộc ăn năn để được tha tội.” (Lu-ca 24:47).  Không một chỗ nào Chúa Giêsu truyền lệnh cho môn đồ rao giảng phép lạ, vì phép lạ quá phổ thông và không đưa đến cứu rỗi.

Rất nhiều người trải nghiệm phép lạ hoặc chứng nghiệm phép lạ nhưng không ăn năn. Tức là, chúng ta thấy phép lạ nhiều hơn thấy ăn năn.  Vậy ăn năn còn lạ hơn phép lạ.  Ăn năn là phép lạ.
Phép lạ ăn năn lớn hơn tất cả phép lạ.  Phép lạ ăn năn đồng đẳng với phép lạ lớn nhất là phép lạ phục sinh.  Vì ăn ăn dẫn đến tha tội.  Tha tội dẫn đến cứu rỗi.  Cứu rỗi là phục sinh.

Đặc điểm trong tất cả các cuộc phục hưng là đều có ăn năn.  Nói cách khác, vì ăn năn nên có phục sinh.  Người ta ăn năn đến độ khóc gào, khóc nghẹn, thậm chí khóc ngất.

Tôi tin rằng phục hưng sẽ đến cho các hội thánh Việt Nam tị nạn khi mục sư cùng các lãnh đạo hội thánh khóc gào, khóc nghẹn, khóc ngất vì đụng chạm bởi phép lạ ăn năn.  

Chắc chắc phục hưng sẽ đến gần đây, ít nữa trong hội thánh Agape, Garden Grove.  Vì chúng tôi đã vài lần khóc gào, khóc nghẹn, khóc ngất cho hiện trạng hội thánh và cộng đồng thờ hình tượng Việt Nam.  Khi không còn là vài lần, nhưng nhiều lần khóc gào, khóc nghẹn, khóc ngất ăn năn thì phục hưng sẽ đến.

Xin cầu nguyện cho chúng tôi với mỗi khi bạn cầu nguyện.

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Ý Nghĩa Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu



By Thang Chu                                                                                              April 20, 2014





 
Tâm trạng của cậu bé mới đi học lần đầu được tả bởi văn sĩ Thanh Tịnh là: “Hàng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên cao có những đám mây bàng bạc. . . Con đường này tôi đã đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôí thấy lạ: Hôm nay tôi đi học!”  

Tâm trạng của một người mới xuất viện sau một năm nằm liệt nhà thương là: Trời xanh lạ và đẹp quá! 

Tất cả tâm trạng đó tóm tắt lại hai chữ: Bình an.  “Cho tôi xin hai chữ bình an” đã thành câu tục ngữ Việt Nam hiện đại.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chúa Giêsu sau khi phục sinh và các sứ đồ cũng bắt đầu hai chữ bình an: “Bình an cho các con” (Lu-ca 24:36).  Nghĩa là Chúa Giêsu ban cho họ sự sống mới bao phủ bởi bình an thay cho sợ hãi, lo nghĩ, thắc mắc, tuyệt vọng, vỡ mộng.

Cuộc sống các môn đồ sau phục sinh đó không chỉ mới mà còn mạnh.  Mạnh vì họ phải là nhân chứng cho phục sinh.  “Các con là nhân chứng về các điều ấy” (Lu-ca 24:48).

Khi nói nhân chứng tức là có vụ án.  Có án là có xử.  Có xử là có bên kiện và bên bị kiện. 

Satan là kẻ kiện cáo Chúa Giêsu đưa đến cái chết của Ngài.  Nhưng phục sinh biện minh cho sự vô tội của Chúa Giêsu.  Và môn đồ được vinh dự chứng kiến phục sinh nên phải làm nhân chứng.  Cái giá phải trả cho nhân chứng là đối diện nguy hiểm vì Satan sẽ tìm cách diệt nhân chứng.

Cho nên nhân chứng phải mạnh mẽ để không sợ kẻ hủy diệt và hoàn thành sứ mạng làm nhân chứng.

Nhưng trước khi Chúa Giêsu giao sứ mạng làm nhân chứng cho các môn đồ, Ngài nhắc lại các lời đã tiên tri về phục sinh của Môi-se, các tiên tri, các thi thiên, gom lại thành Kinh Thánh.  “Tất cả những điều chép về Ta trong Kinh Luật Môi-se, các Kinh Tiên Tri, và các Kinh Thánh Thi phải được ứng nghiệm. . . Thánh Kinh đã ghi: ‘Chúa Cứu Thế phải chịu đau đớn đến ngày thứ ba phải sống lại từ cõi chết.’” (Lu-ca 24:44).

Nghĩa là Thượng Đế đã có kế hoạch phục sinh từ sáng thế; tức là đã có kế hoạch cho sự sống mãi đời đời từ sáng thế.   

Vậy, sự sống lại của Chúa Giêsu ban cho bạn và tôi sự sống mới, sống mạnh, sống mãi.  

Đời không còn là một chữ T (tình, tiền, tù, tội) nữa, nhưng là chữ M (mới, mạnh, mãi).  

Đời là 3M!   Ha-lê-lu-gia!