Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Tám Suy Gẫm về Phước

Tám Suy Gẫm về Phước

*(www.mondoJesus.blogspot.com)  Nhân đọc bài Loại Hội Thánh Chúa Ban Phước của MS Rick Warren (xin xem http://mondojesus.blogspot.com/2012/05/loai-hoi-thanh-chua-ban-phuoc.html) tôi có những suy gẫm sau và muốn chia sẻ với bạn để cùng thông công và cầu nguyện với nhau trong Thánh Linh.

Về Loại 1 (Cầu nguyện xin quyền năng Đức Chúa Trời).  MS Rick viết, “Chúng ta có Chúa Thánh Linh . . . Ngài cũng giao hội thánh công tác khổng lồ --đem thật nhiều người vào thiên đàng nếu có thể.  Cũng giống hội thánh đầu tiên, chúng ta cần quyền năng của Đức Chúa Trời để làm điều này.” 

Thực ra, bất cứ tín đồ nào cũng nhận được Đức Thánh Linh như  lời Chúa Giê-su hứa (Giăng 14:16).  Vấn đề là làm sao để đầy dẫy Thánh Linh?  Đây lại trở lại vấn đề con người, con người đã được huấn luyện môn đồ (HLMĐ) để trở nên một tiểu Giê-su.

Về Loại 2 (Sử dụng ngôn ngữ của mọi người).  MS Rick nhận ra cách Chúa dùng mọi người theo ngôn ngữ của họ.  Đây là vấn đề cách thức mục sư và các lãnh đạo hội thánh sử dụng người.  Thường chúng ta tạo ra một khuôn đúc để mọi người phải giống chúng ta.  Thế nên ai không giống, chúng ta không dùng.  Điều này tạo ra sự thụ động cho những thành viên không được khích lệ dấn thân vào mục vụ.  Cũng lại là vấn đề con người chưa được HLMĐ.

Về loại 3 (Sử dụng ta-lâng mỗi thành viên).  MS Rick viết “Loại hội thánh được Chúa ban phước biết sử dụng ta-lâng của những ai trong thân thể đó.”  Điều này không dễ làm vì thường các người lãnh đạo không dám giao việc cho tín đồ.  Hoặc giao nhưng kiểm soát chặc chẽ.  Thật là xúc phạm khi làm vậy!  Và điều đó không theo gương Chúa Giê-su.  Chúa Giê-su sai các môn đồ đi thành đôi và không phải lúc nào họ cũng thành công.  Họ đã thất bại khi đuổi quỷ và Chúa qưở trách họ (Mác 9:18-19).  Họ đã dành nhau địa vị (Lu-ca 22:23, 24).  Và họ đã bỏ Chúa.  Nhưng Chúa luôn kêu gọi và phục hồi họ.  Vì thế, chúng ta có quá nhiều mục sư solo!  Vậy, cách hay nhất, như Chúa Giê-su làm là HLMĐ rồi giao công tác cho họ.  Chỉ mươi người sử dụng đúng ta-lâng là có thể vận động cả hội thánh.

Về loại 4 (Hãy tận hiến với Lời Chúa).  MS Rick kêu gọi dân sự Chúa gắn bó với Lời Chúa.  Đây cũng là điều Chúa Giê-su hứa sẽ ban phước, “Nếu các con cứ ở trong Ta, và các Lời của Ta vẫn ở trong các con, hãy cầu xin điều gì mình ước muốn thì sẽ được” (Giăng 15:7).  Và đây cũng là trọng tâm của HLMĐ.

Về Loại 5 (Thương yêu lẫn nhau sâu sắc).  Đây là đại mạng lịnh (Mathiơ 22:39; Giăng 13:34).  Chúng ta thường lầm lẫn Đại Mạng Lịnh là truyền giáo, nhưng thực ra truyền giáo là Đại Sứ Mạng (Ma-thi-ơ 28:19).  Vấn đề này, yêu thương, phải nói là khó nhất.  Nhưng Chúa đã đặt thành đại mạng lịnh, tức là làm được.  Nó cũng là vấn đề huấn luyện để biến đổi tâm dạ con người, HLMĐ.

Về Loại 6 (Thờ phượng với sự vui mừng).  Chúng ta không thể thờ phượng Chúa với sự vui mừng nếu không hiểu và không biết ơn Chúa.  Muốn hiểu phải học.  Học qua Lời Chúa (trí não) và qua từng trải (con tim).  Đây cũng lại là vấn đề HLMĐ.

Về Loại 7 (Sẵn lòng hy sinh).  MS Rick nhận thấy hội thánh đầu tiên chia sẻ mọi thứ.  Làm sao họ làm được điều này nếu không phải là họ luôn khao khát trông đợi Chúa trở lại và một đời sống vĩnh hằng?  Hội thánh ngày nay cần được học và nhắc nhở ngày chung cuộc.  Đây cũng là vấn đề HLMĐ.

Về Loại 8 (Tiếp cận cộng đồng).  Điều này chúng tôi đã làm ráo riết trong hai năm qua và hàng chục người đã đến với hội thánh chỉ để rồi ra đi với sự bực mình chán ngán!  Vì sao?  Chính những tín đồ “kỳ cựu” đã làm những điều kỳ cục của con đỏ ích kỷ mà ngay cả người ngoại cũng kỵ kiêng (chẳng hạn gây gỗ với nhau trong nhà thờ).  Đây cũng lại là vấn đề HLMĐ.

Ngẫm đi nghĩ lại, để là loại hội thánh được Chúa ban phước, chúngg ta phải HLMĐ.  Không thì trăm năm nữa Tin Lành cũng mãi là tim lạnh đối với 90 triện đồng bào Việt trong và ngoài nước!   

Nhưng để HLMĐ, tức để đào tạo tiểu Giê-su, phải có tiểu Giê-su trước đã. 

Một mục sư nói với tôi cách đây hơn chục năm rằng sở dĩ Tin Lành không phát triển vì nhân tài hiếm như lá mùa thu.  Bây giờ, sau nhiều bão tố tâm linh, tôi nhận ra rằng đó không phải là lý do chính.  Chúng ta có nhiều mục sư với trình độ đại học, cao học, tiến sĩ, doctorate, Ph.D tại Mỹ và các cường quốc khác.  Nhân tài không hiếm như lá mùa thu.  Nhưng chúng ta thiếu  con người mục vụ, vốn đã hiếm như lá mùa đông!  Con người mục vụ thật biết nhân danh Chúa Giê-su, Đấng Thống Khổ Nhân, Man of Sorrow

Có lẽ tới đây bạn sẽ hỏi, “Vậy còn hội thánh của ông thì sao?” 

Xin thưa, hội thánh chúng tôi còn lại ba mươi người tuổi từ một đến 84 lang thang đây đó bốn chỗ trong hai năm hai tháng qua nhưng được thấy đầy những phép lạ dấu kỳ xảy ra trên các con cái Chúa (người sống thực vật sống lại, người ăn bằng ống G-Tube giờ được ăn phở, cancer được lành, bao tử được chữa, tâm thần được tỉnh, quẹo giò được ngay, . . .) 

Hiện giờ chúng tôi mới move tới điểm nhóm mới ba tuần nay tại một trường nhạc nho nhỏ, sắp đầy chen chúc cũng được 50 ghế.

Và ngày mai sẽ ra sao?  Chúng tôi không biết.  Chỉ một điều chúng tôi quyết tâm làm là: Trở nên một tiểu Giê-su qua HLMĐ.  Và một điều khích lệ chúng tôi là: Những ơn lạ lùng Chúa Giê-su đã làm trong những năm tháng qua, thì Ngài sẽ tiếp tục làm trong những năm tháng tới.

Ôi Chúa Giê-su của chúng con, xin Chúa dùng chúng con để làm tay, tai, mắt, miệng, lòng của Chúa để cứu lấy đồng bào chúng con đang bị lùa vào sự chết cả xác lẫn hồn đời đời.  Amen.


By Thang Chu

May 30, 2012








Đức Chúa Trời ở Mỹ Quốc

                                                Đức Chúa Trời ở Mỹ Quốc

By MS Lê Văn Thể
thevanle1711@yahoo.com


1.            Sương mờ Portland



  Tôi thức dậy thật sớm để kịp đến trường.  Thời tiết Portland những ngày đông rét buốt.  Bên ngoài, tuyết rơi trắng xóa.  Khoác thêm một cái vest thật dày cho đỡ lạnh, nhưng tôi phải co rút đầu xuống để bước đi. Đường phố vẫn còn vắng lặng dường như người ta đang say ngủ.  Tôi đứng chờ xe buýt hơn mười phút mà vẫn không thấy nó ở đâu.  Tôi nhắm mắt cầu nguyện: “Chúa ôi! Con không muốn đến lớp trễ hôm nay xin Ngài cho xe buýt đến kịp giờ. Con cảm ơn Chúa!” Cầu nguyện lần thứ nhất, mở mắt ra chẳng thấy gì, lần thứ hai vẫn chưa có gì thay đổi. Nhưng lần thứ ba, vừa mở mắt ra, một chiếc xe hơi màu bạc cũng vừa trờ tới.  Như cái máy, tôi đưa tay vẫy xin quá giang.  Xe dừng lại đột ngột. Một người thanh niên da trắng trạc tuổi ba mươi ra dấu bảo tôi lên xe.  Tôi mừng quýnh chưa kịp nói điều gì ngoài lời cảm ơn thì anh ta lên tiếng:

- Anh không biết tôi, nhưng tôi biết anh, chúng ta cùng trường và cùng lớp.

Tôi hết sức ngạc nhiên:

- Thế à? Cảm ơn Chúa!

Anh ấy tươi cười nói thêm:

- Mình là người hàng xóm nữa.  Nhà tôi ở đối diện nhà anh.

Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tôi nhìn anh ta đáp lại niềm vui bằng ánh mắt.

Chỉ có mấy phút sau là chúng tôi đến trường.  Bước ra khỏi xe hơi, Patrick và tôi trở nên bạn của nhau từ đó.  Chuông báo hiệu giờ học đã bắt đầu.  Buổi sáng hôm ấy lòng tôi rạo rực một niềm vui khó tả.  Đức Chúa Trời quá nhân từ và Ngài biết tôi đang cần gì. Ngài bước đi với tôi mỗi bước, che chở cho tôi trên mỗi chặng đường.  Làm sao chúng ta có thể hình dung được ở xứ Mỹ rộn ràng, đầy phức tạp này mà có người xin xe quá giang như tôi? Không chỉ một lần mà việc này đã xảy ra nhiều lần tương tự.  Ngày mới đến thành phố này, tôi bị lạc đường đôi lần và đã từng đưa tay vẫy xin xe quá giang.  Lúc đó, tôi đang ở tại nhà mục sư Lê Tự Cam trên một ngọn đồi cách xa trường ba mươi phút.  Trời nắng chang, bụng đói cồn cào, người mệt lã nên tôi đến gặp một người phụ nữ đang sửa chữa điện ở cột đèn vừa xong:

-         Cô ơi! Tôi bị lạc đường, xin cô làm ơn chỉ giúp tôi địa chỉ này có được không ạ?

Người phụ nữ tươi cười cầm lấy tờ điạ chỉ và bảo tôi lên xe:

-         Được rồi, tôi sẽ chở anh đến đó.

Ngồi trên xe, lòng tôi mỉm cười không hiểu nổi tại sao giữa cái xứ sở quá ư rộn ràng và tất bật mà vẫn có những con người tốt bụng như vậy?  Mùi cát bụi từ những cái găng tay dơ dáy pha lẫn với mùi của “cà-lê, mỏ-lếch” ngổn ngang mà tôi cứ tưởng chừng như mùi vị của một thứ hương hoa nào đó ngọt ngào và dễ chịu.  Đó là mùi vị tình yêu của Đức Chúa Trời mà mắt trần của chúng ta không nhìn thấy được.

Chưa được ba phút, chỉ cần quẹo sang một khúc cong dọc theo phía triền núi, người lái xe mỉm cười nói với tôi:

- Đó kìa, nhà này phải không?

    Tôi reo lên:

- Vâng, đúng rồi ạ.  Tôi bước xuống xe cảm ơn người phụ nữ rối rít và không quên nói, “God bless you!” Tôi ngẩng mặt lên trời để cảm ơn Chúa.   Ngài quả thật kỳ diệu, và tôi nhớ đến Lời Chúa:

 Song tôi cứ ở cùng Chúa luôn luôn

 “Chúa sẽ dùng sự khuyên dạy mà dẫn dắt tôi…

 “Ở trên trời tôi có ai ra trừ Chúa?

  “Còn đưới đất tôi chẳng ước ao người nào khác hơn Chúa

                         (Thi Thiên 73: 23, 24, 25)

         Mùa rét mướt rồi cũng qua đi.  Những bông hoa tuyết đã tan biến nhường chỗ cho nắng Xuân.  Qua ô cửa kính, màu tím, vàng, xanh, đỏ rực rỡ nhưng dịu dàng của những hàng cây thẳng tắp nối tiếp nhau tận cuối đường.  Tôi cảm ơn Chúa vì không còn phải chịu đựng những cơn rét cóng người, không còn phải mang hai ba lớp vớ cùng một lúc.  Nhìn lên tờ lịch, một dấu chấm đỏ mà tôi đã chéo ngang để nhắc nhở chính mình về ngày đám cưới con gái đầu của tôi, Thục Hạnh.  Tôi hao hức chờ đợi ngày ấy sẽ được gặp lại vợ con của mình.  Họ đang ở tận miền nam Cali thành phố San Diego hiền hoà cách xa tôi gần ba giờ bay.

Đã bao nhiều đêm rồi, tôi thỏ thẻ thưa cùng Chúa:

“Chúa Jê-sus ôi!  Sao Ngài đặt để con nơi này?  Con mong được sống gần vợ và con cái.  Con thèm khát cái không khí ấm áp của gia đình.  Con ao ước có được bữa ăn tối quây quần bên những người thân yêu.  Con mong đợi có một bàn tay chăm sóc, an ủi.  Con sợ lắm cái cảnh này!  Chúa ôi!  Con thực sự không đủ sức chống cự với nỗi cô đơn dai dẳng.  Chúa ôi! xin Ngài đáp lời con.”

Bên ngoài, bóng tối đổ xuống rất nhanh.  Những ánh đèn nhạt nhòa trong lớp sương mờ đục.  Tôi qùy gối từng đêm chuyện trò cùng Chúa để trao hết tâm sự cho Ngài.  Căn nhà trọ, trường đã thuê cho tôi là một apartment dành cho sinh viên quốc tế.  Họ ở đây là những gia đình có vợ chồng con cái.  Còn tôi, trơ trọi một mình.  Ngày tháng cứ lặng lẽ trôi qua.  Thật không dễ dàng chút nào trong cuộc sống đơn điệu và quạnh hiu!

Lục lọi hết đống quần áo của mình từ Việt Nam mang qua, không có bộ áo quần nào ra hồn để mặc trong ngày cưới của con gái.  Tôi bèn quì gối cầu nguyện:

“Chúa Jêsus của con ôi!  Xin Ngài cho con một bộ áo quần màu đen với chiếc quần lai lật để mặc trong ngày đám cưới con gái.  Một cái áo vest “phong trần” vải nỉ, để mặc lên lớp trong những buổi sáng sớm trời lạnh.”

Thế rồi, những ngày sau đó, tôi nhìn thấy một đống áo quần nằm trong chiếc xe “shopping cart” cạnh chiếc cầu thang  mà tôi lên xuống mỗi ngày.  Một buổi sáng trước giờ đến lớp, Patrick hỏi tôi:

- Áo quần của ai để đây vậy, Uncle The?

- Tôi đâu có biết, Patrick ạ!

      Người bạn Mỹ của tôi nhặt lên từng cái một.  Mắt tôi mở to nhìn vào đống áo quần sửng sốt.  Tôi nhảy lên trước sự ngạc nhiên của người bạn.  Một bộ vest màu đen còn mới toanh với chiếc quần lai lật, hai áo vest bằng sợi len màu xám.  Tôi mừng rỡ và làm chứng cho người bạn của mình về lời cầu xin Chúa của tôi trong những ngày qua.  Patrick cười thật tươi và giúp tôi mang hộ những áo quần lên phòng nơi tôi ở.  Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu nguyện của tôi và đáp lời. Ngài đã ban cho tôi nhiều hơn những gì tôi đã xin.  Những ngày sau đó, tôi chia sẻ một áo vest cho một người anh em hầu việc Chúa tai Hội thánh Nước Sống.  Tôi làm chứng lại cho cậu ấy nghe món quà mà Đức Chúa Trời đã ban tặng.  Lời của Chúa phán hứa đã ứng nghiệm:

        “Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi.  Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi diều ấy nữa.  Vậy chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai.  Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.”

                            (Mathiơ 6:31, 32, 33, 34)



Chuyến bay của hãng Alaska từ Portland đưa tôi về California vào một ngày nắng ấm.  Bước ra khỏi phi trường lòng tôi hân hoan được gặp lại những người thân yêu của mình.  Chính nơi đây, đã bao lần vợ con tôi đưa tiễn.  Tôi rất sợ cảnh chia tay và sống mỗi người một ngã.  Tôi cố gạt bỏ đi những liên tưởng đến ngày ra đi trở lại trường.  Giờ đây, tôi ngẩng mặt lên trời để bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa và tận hưởng niềm hạnh phúc.  Từ trong sâu thẳm của đáy lòng tôi có được bài học thật quí giá:



“Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ ngươi trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài.  Hãy nhờ cậy Đức Giê-hô-va đời đời, vì Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va là vầng đá của các thời đại!”



Lời Chúa văng vẳng bên tai.  Tôi cất giấu Lời Ngài vào trái tim mình để vững bước đi trên những chặng đường gian nan sắp tới.

Sau đám cưới, trở lại Portland lần này tôi bớt buồn hơn vì có cô con gái thứ nhì tháp tùng.  Thục Uyên, tình nguyện đi theo để chăm sóc cho ba.  Có hai cha con, căn hộ rộn ràng hơn trước.  Tôi xin cho Uyên một chỗ làm thêm trong một tiệm sách của người Việt Nam.

Mỗi chiều, tôi thường ngồi ở cầu thang mong đợi con gái về. Patrick cho Uyên mượn xe đạp đến trường mỗi ngày và dùng nó để làm phương tiện đến tiệm sách.  Hai cha con thay phiên nhau lo việc nấu nướng hằng ngày.  Chúng tôi ăn uống sơ sài qua bữa, chỉ mong sao đủ tiền trang trải cho tiền nhà, điện và học phí của tôi là thỏa lòng rồi.

Ngày hôm ấy, sau khi từ trường trở về chưa kịp ăn uống, hai cha con đã lội bộ đến tận cuối con đường rất xa để cùng khiêng cái giường cũ người ta vất ngoài đường, đem về cho Uyên nằm. Cái giường nặng lắm, Uyên đội trên đầu muốn vẹo cổ.  Ngày còn ở Việt Nam, Chúa đã ban cho gia đình chúng tôi mọi thứ.  Có thể nói rằng giáo giới như chúng tôi chỉ thèm thuồng và mơ ước.  Nhà lầu bốn cái dùng làm trường học, cho người nước ngoài thuê, cho em gái của mình,  cái còn lại dùng để ở.  Bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời, chúng tôi sống trong điều kiện dư thừa và sung túc. Con cái đến trường trong những bộ aó quần đắt tiền và đi những chiếc xe xinh đẹp, có người đưa kẻ đón.  Chúng chưa bao giờ phải vất vả làm lụng hay lo nghĩ đến tiền bạc.  Những nhà hàng nào sang trọng, chúng tôi không ngần ngại bước vào.  Cuộc sống phước hạnh đó, là do Đức Chúa Trời đem đến.

Ngày nay, sống ở một đất nước phồn vinh, nhưng chúng tôi là những kẻ nghèo khó.  Gia tài qúy giá nhất đó là niềm tin tuyệt đối vào một Chúa Jê-sus nhơn lành.  Không nản lòng, vững chí bước đi bởi vì lòng chúng tôi tin quyết vào một Đức Chúa Trời đầy quyền năng giàu lòng thương xót.  Ngài có chương trình cho chúng tôi.  Hoàn toàn tin tưởng như vậy, chúng tôi mạnh mẽ bước đi trong gian khổ để trưởng thành, chịu thử thách để được rèn luyện và hy vọng vào một ngày sẽ được Đức Chúa Trời đại dụng.



 “Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi!

“Phước cho những kẻ nhu mì vì sẽ hưởng được đất!

“Phước cho những kẻ đói khát sự công bình vì sẽ được no đủ!

      “Phước cho những kẻ hay thương xót vì sẽ được thương xót!”

                                    (Mathiơ 5:4-7)





2.            Cái Cell-phone Của Chúa



Buổi sáng hôm ấy, đang khi ngồi trước máy computer.  Tôi đọc và Thục Uyên đánh máy cho tôi một bài viết cho tờ tạp chí của Hội Thánh Nước Sống.  Hội Thánh này do Mục sư Nguyễn Châu Hóa quản nhiệm.  Ông là thầy tôi thời trung học, người đã đưa tôi vào bên trong nhà thờ Đà Nẵng 1982 để nghe giảng và tiếp nhận Chúa.

Tôi kể cho Uyên nghe về giấc mơ kỳ lạ, có vẻ khác thường mà tôi đã trải qua trong đêm.  Tôi thấy mình bước đi trong trũng hài cốt  ngổn ngang đầy sự chết chóc và kinh hoàng.  Tuy là chiêm bao, nhưng không phải bình thường như bao nhiêu lần khác.  Có điều gì đó bí ẩn.  Trong tâm linh tôi như được báo trước một điều không tốt lành sẽ xảy ra.  Con gái tôi dường như không quan tâm lắm:

- Chiêm bao là chuyện thường mà ba, hơi sức đâu để ý!

- Không bình thường đâu!  Ba cảm thấy có điều gì đó không ổn.  Chắc có chuyện không hay xảy ra cho cô Hà.

Hà, là em gái của tôi đã bị bệnh nan y trước ngày tôi đi Mỹ. Chồng của cô đã qua đời hai năm trước đó.  Tôi biết sẽ có một ngày em tôi sẽ về với Chúa, nhưng vẫn hy vọng ngày đó chưa xảy ra sớm, tôi sẽ trở về kịp trước thời gian ấy.  Đang khi suy nghĩ, bỗng cái cell-phone reo lên.  Từ bên kia đầu dây, giọng nói của nhà tôi hơi run:

- Hãy bình tĩnh! Cô Hà về với Chúa cách đây mấy tiếng đồng hồ.

Tim tôi thót lại, nhói đau.  Không kiềm chế được, tôi đã khóc to lên thành tiếng nức nở.  Thục Uyên bối rối:

- Ba ơi! Hãy bình tĩnh, đừng làm con sợ!

Hai cha con cùng qùy xuống tạ ơn Chúa trong nước mắt ràn rụa; mặc dầu lòng tôi tin chắc em tôi đã ngủ yên trong Chúa, theo ý muốn tốt đẹp của Ngài.  Sau đó, tôi dùng cái cell-phone của mình để gọi về Việt Nam lo tang lễ cho em.  Tôi biết máy của tôi không còn đủ số phút để gọi, bèn giơ cao chiếc cell-phone lên mà cầu nguyện:

-  Chúa Jêsus của con ôi!  Xin Ngài cho con nói chuyện với gia đình ở Việt Nam. Con chỉ còn có mười phút.  Chúa ôi!  Xin giúp con!

Thục Uyên chẳng hiểu điều gì đang xảy ra, tưởng rằng tôi đã mất trí.  Nên tôi giải thích:

- Ba có kinh nghiệm này khi ở Đại-Hàn. Con chờ xem sẽ thấy…

Cầu nguyện xong, tôi bấm máy gọi các cháu, sau đó liên lạc với các mục sư và một vài anh em thân thiết của Hội Thánh Đà Nẵng và An Trung, nơi em tôi sinh hoạt.  Xong xuôi các cuộc gọi có lẽ kéo dài hơn một tiếng đồng hồ.  Tôi kiểm tra máy, cell-phone không nhảy thêm phút nào cả.  Chương trình tôi mua chỉ giới hạn sáu trăm phút, trong khi đã gọi năm trăm chín mươi phút, nghĩa là chỉ còn mười phút trong máy.  Sáng hôm sau, tôi kiểm tra lại máy, nó chỉ nhảy lên đúng sáu trăm phút và dừng lại ở con số đó.  Con gái tôi run sợ trước quyền năng của Đức Chúa Trời.  Còn tôi, lòng được an ủi vì biết rằng có Đức Chúa Trời đang ở bên mình.  Tuy nhiên, tôi không khỏi buồn đau với bao tiếc nuối.  Hình ảnh em gái tôi lúc chia tay ở phi trường Đà Nẵng, nó không nói một lời nào cả, chỉ ngồi im lặng úp mặt trong chiếc nón lá và khóc.





 Để lại cho anh

Tiễn anh ra phi trường

Nước mắt em ràng rụa

Anh đâu dám nhìn lại

Bởi lòng nghe xót xa



Anh qua đến xứ người

Áo cơm nhiều lận đận

Những buồn vui hờn giận

Anh cố giấu vào trong



Đêm đêm anh cầu nguyện

Để Chúa gìn giữ em

Cho em được sống thêm

Mong ngày anh gặp lại



Trời tháng tư còn lạnh

Mưa rả rích ngoài hiên

Nhận được tin chẳng hiền

Em ra đi bỏ lại…



Sáu đứa con mồ côi

Chúng bỏ trường bỏ lớp

Tất tả miếng cơm ăn

Lòng anh như dao cắt



 Em ra đi bỏ lại

Anh một trời nhớ thương

Tuổi thơ ngày tháng ấy

Giờ đây lệ vấn vương



Ba năm rồi bỏ xứ

                       Anh lang thang quê người

                      Mỏi mòn thương chốn cũ

                      Ngày ấy tiễn anh đi…



                            California 2005



Cuộc đời của mỗi chúng ta thật ngắn ngủi, như chiếc bóng nay còn mai mất, như cánh hoa sớm nở tối tàn.  Cho nên, điều cần thiết là chúng ta phải khám phá được mục đích của Đức Chúa Trời đặt để trên đời sống của mình là gì?  Xét cho cùng mọi vật trên thế gian này, chẳng có vật nào là sở hữu lâu dài, ngay cả những gì qúy giá nhất như những người thân yêu: cha mẹ, anh em, con cái…cũng chẳng thuộc về chúng ta. Đức Chúa Trời ban cho, rồi cất đi:



 Trong tay Ngài cầm hồn của mọi vật sống, và hơi thở của cả loài người.

               (Gióp 12:10)



“Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết cuối cùng tôi,

“Và số các ngày tôi là thể nào;

“Xin cho tôi biết mình mỏng manh là bao,

“Kìa, Chúa khiến ngày giờ tôi dài bằng bàn tay

“Và đời tôi như không không trước mặt Chúa

“Phải mỗi người dầu đứng vững, chỉ là hư không

“Quả thật, mỗi người bước đi khác nào như bóng;

“Ai nấy đều rối động luống công;

“Người chất chứa của cải, nhưng chẳng biết ai sẽ thâu lấy.”

                        (Thi Thiên 38:4-6)





3.            Hai con người khác biệt



Cô Angie Prosser, cố vấn sinh viên quốc tế của trường Kinh Thánh mà tôi theo học, đi cùng tôi đến văn phòng sở di trú.  Ngay phút đầu tiên, người nữ nhân viên phỏng vấn dường như không mấy thiện cảm.  Cô nhìn tôi, lạnh lùng:

-  Anh giơ tay lên thề nói sự thật!

-  Tôi không thề được, nhưng tôi nói sự thật vì tôi là Cơ Đốc nhân.

Chưa trải qua những sự việc này, hơi bất ngờ nên tôi chỉ nhớ đến lời Chúa dạy, phải nói phải, không nói không. Đừng thế thốt!”

 Nét mặt cô nhân viên trở nên cau có khó chịu:

-  Đã có hàng trăm Cơ Đốc nhân nói dối ở đây.  Nếu anh không làm theo, tôi sẽ không hỏi anh nữa.

Cô Angie không được phép nói gì cả.  Cô ra dấu cho tôi biết phải giơ tay thề, và tôi đã nghe theo.  Sau nhiều tiếng đồng hồ chất vất với bao câu hỏi hóc búa.  Tôi cảm thấy có điều gì không ổn vì những câu trả lời của tôi lúng túng, không thuyết phục.  Mỗi lúc, cô càng đưa tôi vào chỗ bế tắc khó có câu trả lời thỏa đáng.  Dường như cô chỉ ở vai trò tấn công kẻ yếu thế.  Quang cảnh diễn ra như cảnh sát tra vấn tội phạm.  Tôi thầm nghĩ có lẽ cô đã thành kiến với nhiều Cơ Đốc nhân đã nói dối.  Mấy tiếng đồng hồ trôi qua, tôi ký vào những trang giấy cô ghi chép lời khai của tôi, và nghe cô kết luận:

- Bổn phận tôi chỉ làm công việc vừa xong.  Phần quyết định do Giám Đốc.  Trong một tuần, anh sẽ nhận được thông báo kết quả.

 Không cần nhận giấy tờ thông báo gì cả, tôi cũng đã đoán ra được kết quả ngay lúc đó.  Nhưng tôi thản nhiên ra về cùng với cô Prosser dịu dàng, nhân hậu. Cô an ủi tôi:

- Đừng buồn làm chi anh ạ!  Cô ta cũng chỉ làm bổn phận của mình mà thôi.  Về nhà, anh nhớ cầu nguyện nhiều hơn nữa!

- Cảm ơn Angie! Chúa sẽ không bỏ con cái của Ngài. Nhìn Angie một lần nữa, tôi cảm nhận một điều gì đó khác biệt rất xa giữa hai người phụ nữ!

Tôi không buồn lắm, nhưng thật sự đã lo lắng.  Nếu bị từ chối chuyện phục hồi di trú, tất nhiên gia đình chúng tôi phải trở về Việt Nam.  Nguyên nhân câu chuyện này bắt nguồn từ nỗi nhớ nhà và sự cô đơn của tôi.  Tôi đã xin chuyển về một trường Thần Học Việt Nam ở California để gần gũi gia đình.  Có một giáo sư trong Ban Điều Hành tại đó khích lệ.  Nhưng khi trở về mới biết rằng trường không có thẩm quyền trong việc cấp I.20 cho sinh viên quốc tế.  Mục sư có trách nhiệm giúp tôi lại bận về Việt Nam.  Tôi đã gọi điện thoại cho ông nhiều lần, nhưng không được trả lời.  Cuối cùng, tôi thả trôi cho đến mùa Xuân của năm sau, mới trở lại Portland để học lại và xin phục hồi di trú.

Một buổi sáng, Prosser đến gặp tôi buồn bã:

- Cô ấy đã gưỉ email thông báo là từ chối trường hợp của anh.

- Tại sao lại gửi bằng email? Tôi cần văn bản chính thức gửi qua bưu điện.

Thế là mấy hôm sau, tôi đã nhận thư thông báo chính thức. Trong thư có nói rằng, tôi không phải phí thì giờ để trình bày, giải thích gì khác vì đó là quyết định chính thức và cuối cùng.

Ông hiệu trưởng gặp tôi khuyên phải chấp hành thông báo của Sở Di Trú.  Nếu không, sẽ ảnh hưởng cho trường đối với sinh viên quốc tế trong tương lai.  Biết rằng không còn cách nào khác, nên hai cha con chúng tôi chuẩn bị rời bỏ Portland, chia tay với trường lớp, những bạn bè thân yêu và nhất là Hội Thánh Nước Sống nơi chúng tôi đang sinh hoạt.

Patrick luống cuống cả buổi sáng khi tiễn đưa hai cha con chúng tôi.  Mặt cậu ta xanh mét.  Cặp mắt thường ngày đã ẩn chứa nỗi buồn sâu kín nào đó, bây giờ trông có vẻ thảm não hơn.  Patrick yêu thương cha con chúng tôi trong một thứ tình yêu không giống sự đổi chác như thế gian này, và chúng tôi cũng vậy.  Nhưng, giờ đây tất cả mọi thứ đẹp đẽ kia cũng sắp sửa kết thúc; những ngày tháng được sống gần bên nhau sẽ không còn nữa.  Tôi tin chắc rằng, trong mỗi chúng tôi kỷ niệm sẽ còn sống mãi. 

Chuyến bay mệt mỏi, đầy ưu tư đưa chúng tôi rời Portland; thành phố sương mù vẫn còn đọng lại trong lòng hai cha con chúng tôi bao nhớ thương và nuối tiếc…

Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời, cho dù phải đối diện trong muôn nghìn khó khăn, có lúc tưởng chừng như hoàn toàn tuyệt vọng, nhưng kỳ thật lòng chúng tôi vẫn bình an. Chúng tôi tin cậy   Đức Chúa Trời và chờ đợi sự  giải cứu của Ngài.



“Tôi nhịn nhục trông đợi Đức Giê-hô-va,

“Ngài nghiêng qua nghe tiếng kêu cầu của tôi

“Ngài cũng đem tôi lên khỏi hầm gớm ghê, khỏi vũng bùn lấm

“Ngài đặt chân tôi trên hòn đá

“Và làm cho bước tôi vững bền.”

                 (Thi Thiên 40:1,2)









Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Loại Hội Thánh Chúa Ban Phước

Loại Hội Thánh Chúa Ban Phước

Tác giả: Rick Warren                Dịch giả: Thang Chu



*(www.mondoJesus.blogspot.com) Thành phố Luân-đôn, London, đã có một số nhà thờ lịch sử đẹp nhất toàn thế giới.  Tuy nhiên họ cũng có một số trống vắng nhất.  Mới đây điều này làm sửng sốt tôi khi tôi ở lại thành phố đó để nghiên cứu Kinh Thánh.  Các hội thánh chết hẳn quá nhanh đến độ người ta bán chúng cho các quán rượu và nhà hàng.  Các hội thánh ở Luân-đôn đang tuyệt vọng về ơn phước của Đức Chúa Trời.

Tôi không muốn hướng dẫn một hội thánh hấp hối.  Tôi cũng không tin bạn muốn vậy.  Vậy điều gì khiến hội thánh giữ được sức mạnh, thích thú – và sống động?  Cần có ơn phước của Đức Chúa Trời.  Bất cứ khi nào Đức Chúa Trời ban phước hội thánh, nó tăng trưởng, đời sống được thay đổi và phép lạ xảy ra.  Những hội thánh được Chúa ban phước sẽ đem phước cho con người, đem phước cho những gia đình và đem phước cho những cộng đồng.

Đò là điều hội thánh đầu tiên đã có.  Ơn phước của Đức Chúa Trời tuôn đổ khắp hội thánh đó.  Nếu chúng ta muốn nhận ơn phước của Đức Chúa Trời trên hội thánh chúng ta, chúng ta cần làm điều mà hội thánh đầu tiên đã làm trong Công Vụ 1-2.

1. Cầu nguyện xin quyền năng Đức Chúa Trời. (Công Vụ 1:3-4,14)  Chính quyền năng Đức Chúa Trời khiến Hội Thánh khác biệt bất cứ tổ chức hoặc nhóm nào khác.  Chúng ta có Chúa Thánh Linh.  Microsoft, General Motors, và Apple không có Chúa Thánh Linh.  Chúng ta có.  Ngài cũng giao hội thánh công tác khổng lồ -- đem thật nhiều người vào Thiên Đàng nếu có thể.  Cũng giống Hội Thánh đầu tiên, chúng ta cần quyền năng của Đức Chúa Trời để làm điều này.

2. Sử dụng ngôn ngữ của mọi người. (Công Vụ 2:5-8)  Một trong những phép lạ lớn lao của Ngày Lễ Ngũ Tuần là đó, khi các môn đồ giảng đạo, mọi người đều nghe họ theo ngôn ngữ riêng của mình.  Điều này hoàn toàn trái ngược với điều Đức Chúa Trời đã làm tại tháp Ba-bên trong Sáng-thế 11.  Nhưng chúng ta không cần phép lạ này ngày nay.  Hội Thánh ngày nay nói mọi ngôn ngữ trên thế giới.  Hội Thánh nói nhiều ngôn ngữ hơn cả Liên Hiệp Quốc.

Nhưng tôi tin rằng người trong hội thánh của bạn nói nhiều ngôn ngữ hơn là bạn tưởng.  Tất cả chúng ta nói hàng chục ngôn ngữ.  Nếu ai đó trong hội thánh bạn liên quan đến IT hoặc người hâm mộ dã-cầu hoặc bác sĩ hoặc người bán hàng, họ hiểu ngôn ngữ mà những người khác không hiểu.  Nếu bạn muốn là một hội thánh Đức Chúa Trời ban phước, bạn cần nhận ra rằng Đức Chúa Trời đã đặt những người đó trong hội thánh bạn có lí do.  Họ có ngôn ngữ mà Đức Chúa Trời muốn họ sử dụng để chia sẻ Tin Lành trong cộng đồng.

3. Sử dụng ta-lâng mỗi thành viên. (Công Vụ 2:1-18, 21)  Hội Thánh đầu tiên dùng tất cả mọi người vào mục vụ.  Không ai ngồi hàng bên!  Mọi người tham gia mục vụ của hội thánh.  Để là loại hội thánh Đức Chúa Trời ban phước, hội thánh của bạn cần là loại hội thánh không để ai ngồi không.  Nếu đó là điều người ta muốn trong hội thánh, hãy để họ đến nơi khác.  Loại hội thánh mà Đức ChúaTrời ban phước sử dụng ta-lâng của những ai trong thân thể đó.

4. Hãy tận hiến với Lời Chúa. (Công Vụ 2:14-40, 42)  Chúng ta phải nghe nó, đọc nó, suy gẫm nó, và nhớ nó.  Nhưng trên hết tất cả, nếu bạn muốn hội thánh của bạn là hội thánh được Đức Chúa Trời ban phước, bạn cần làm nó -- bất cứ điều gì Kinh Thánh nói.  Tâm lý hiện đại không cho bạn ơn phước của Đức Chúa Trời.  Tận hiến chính bạn cho Lời Chúa sẽ đem phước.  Khi Phi-e-rơ giảng thông điệp phúc âm trong  Chúa Nhật Lễ Ngũ-tuần, ông tiếp tục quay lại Lời Chúa khi chia sẻ phúc âm.  Không một thông điệp nào khác – ngoài phúc âm – có quyền năng thay đổi đời sống.

5. Thương yêu lẫn nhau sâu sắc.  (Công Vụ 2:42)  Hội thánh đầu tiên thực hành koinonia (chúng ta gọi là thông công).  Nghĩa là họ cam kết với nhau như họ cam kết với Chúa Giê-su Christ.  Chân lý đó là, hội thánh yêu thương tăng trưởng.  Hội thánh nguội lạnh thì không.  Hội thánh đầu tiên là hội thánh yêu thương.  Chính quyền La-mã ghét các Cơ-đốc-nhân và bắt bớ họ, nhưng ngay cả người La-mã cũng thừa nhận rằng các Cơ-đốc-nhân đầu tiên thương yêu lẫn nhau.  Họ bảo vệ lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, và giúp đỡ lẫn nhau như thể không ai làm được.

6. Thờ phượng với vui mừng. (Công Vụ 2:46-47)  Đức Chúa Trời ban phước một hội thánh đón mừng Ngài.  Người ta muốn đến chỗ vui vẻ!  Có đủ tin buồn ở thế gian rồi!  Tôi nghĩ hội thánh phải là nơi tin mừng được rao giảng – phúc âm.  Chúng ta có thể đứng nơi bục giảng mỗi tuần và giảng về tội lỗi tuần qua.  Nhưng điều đó đem lại tốt lành gì?  Thành thật mà nói, tôi nghĩ đi đến nhà thờ là điều vui vẻ.  Đức Chúa Trời cài đặt chúng ta để bày tỏ tình cảm.  Nhưng quá nhiều người được dạy đừng bày tỏ nó trong hội thánh.  Khi chúng ta buông ra và thờ phượng cách vui mừng, người ta được kéo đến hội thánh chúng ta.   

7. Sẵn lòng hy sinh.  (Công Vụ 2:44-45)  Hội thánh đầu tiên nổi tiếng về lòng đại lượng.  Công Vụ 2 nói rằng hội thánh đầu tiên chia sẻ mọi thứ cho nhau.  Hội thánh đầu tiên không chỉ chia sẻ tiền bạc.  Lòng đại lượng của họ thật quá sâu xa hơn điều đó.  Họ chia sẻ mọi thứ!  Tôi tự hỏi có biết bao nhiêu người nữa mà hội thánh thế kỉ 21 này sẽ tiếp cận nếu chúng ta hy sinh như hội thánh đầu tiên đã làm.

8. Tiếp cận cộng đồng của chúng ta vì Đấng Christ!  (Công Vụ 2:40-41)  Hội thánh đầu tiên tiếp cận mọi người vì Đấng Christ từ ngày đầu tiên.  Thực tế, với 3.000 người đến với Đấng Christ, hội thánh đầu tiên là hội thánh mê-ga trong một ngày!  Trong Công Vụ 1:8 Chúa Giê-su ra lịnh chúng ta phải là nhân chứng cho Ngài khắp thế gian.  Truyền giáo không phải là lựa chọn.  Bao lâu còn có một người chưa có mối liên hệ với Chúa trong tầm lái xe của hội thánh Saddleback, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng tăng trưởng.  Tôi hy vọng hội thánh của bạn sẽ làm y vậy.

May 29, 2012

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

2N

*(www.mondoJesus.blogspot.com)  Bài trước chúng ta đã bàn sơ về 5M (Mừng, Mến, Mạnh, Mang, Mời) nói về Năm Mục Đích tối hậu của hội thánh.  Nhiều bạn hồi âm không đồng ý rằng M Mạnh là then chốt.  Đa số các bạn nói quan trọng nhất là M Mời (mời gọi, truyền giảng) vì là  đại sứ mạng và M Mến (yêu mến) vì là đại mạng lịnh.

Điều đó đúng một phần.  Bây giờ ta thử đào sâu thần học chút nữa.



Về M Mừng (mừng vui thờ phượng).  Sứ đồ Thô-ma không thờ phượng Chúa Giê-su chỉ cho đến khi lòng ông được thay đổi khi chạm vào bàn tay dấu đinh của Chúa (Giăng 20:28).

Về M Mến (mến yêu trong tình thông công).  Sứ đồ Giăng ghen tị và ngăn cản những người giảng đạo Chúa nhưng không chung đoàn truyền giáo với ông (Lu-ca 9:49).  Sau này, khi đã được thay đổi tấm lòng, ông được gọi là sứ đồ của tình thương vì ông luôn nói về tình thương, đặc biệt câu “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian…” (Giăng 3:16) và câu “Vậy chúng ta cũng nên hy sinh mạng sống mình vì anh chị em” (1 Giăng 3:16). (BD2002)

Về M Mang (mang gánh mục vụ chăm sóc, việc thiện nguyện).  Các sứ đồ tranh giành quyền lực muốn người khác phục vụ mình (Lu-ca 22:24) và Chúa Giê-su đã dạy họ tấm lòng phục vụ qua gương rửa chân.

Về M Mời (mời gọi, truyền giáo).  Các sứ đồ trốn chui trốn nhủi cho đến khi Thánh Linh tuôn đổ tái sinh lòng họ để họ can đảm xông pha truyền giáo (Công Vụ 2:1-4).

Vậy, rõ ràng nếu tín hữu không đặc trọng tâm vào M Mạnh, tức là tập luyện tâm linh để tấm lòng được thay đổi và trở nên tầm thước vóc giạc của Đấng Christ, thì không thể thực hiện các M kia cách trọn vẹn đúng nghĩa.  M Mạnh phải lót nền cho các M Mừng, M Mến, M Mang, và M Mời.

Vậy làm sao phát triển M Mạnh?  Điểm đầu tiên, nền tảng cho M Mạnh là 2N: N Nguyện và N Nghiệm.

N Nguyện là nguyện cầu tương giao với Chúa mỗi ngày.  N Nguyện đưa ta đến trước ngai ân sủng của Chúa để Ngài tuôn đổ ân phước và giúp đỡ chúng ta. (Hê-bơ-rơ 4:14-16).

N Nghiệm là nghiệm suy Lời Chúa mỗi ngày.  N Nghiệm giúp ta trưởng thành tâm linh và sống đạo sung mãn (2 Ti-mô-thê 3:16-17).

Hai N Nguyện và N Nghiệm cần được thực hiện mỗi ngày trong giờ biệt riêng ra để ta gặp Chúa, gọi là Giờ Tĩnh Nguyện.  Rồi ân phước thiêng liêng của Chúa sẽ tuôn tràn như mưa ngàn thác đổ để phục hưng mỗi tấm .lòng chúng ta.  Rồi dòng phước thiêng đó sẽ văng ra, lan ra, tràn ra, ngập ra để cuốn xa mọi rác rưởi và khiến ta cất cánh bay cao như chim ưng chứ không lưng chừng như chim é cũng không lè xè như chim sẻ.

By Thang Chu
May 25, 2012








Đức Chúa Trời Ở Korea (tiếp theo 2)

 Chương 10.
 Không Ai Bằng Chúa

   Một buổi sáng, sau khi vào bệnh viện để cấp cứu vì con mắt bị chảy máu, tôi vừa bước ra khỏi cổng, trời lại đổ cơn mưa lớn. Mắt nhức nhối nên tôi phải nhắm cả hai con; đứng bên lề đường. Không biết sẽ về trường bằng cách nào nên tôi cúi đầu cầu nguyện: “Chúa ôi! Xin cho con có xe để về trường.  Con lạnh lắm!  Vừa dứt tiếng, tôi bỗng nghe một giọng nói mạnh mẽ, tiếng Hàn: Lên xe! Lên xe!  Một cánh tay kéo mạnh tôi lên xe và cười sảng khoái.  Bước lên ngồi xuống ghế, tôi mới nhận ra đó là xe buýt của trường.   Tôi không hề biết tuyến đường này lại có xe đưa đón của trường chúng tôi qua lại.  Thật là kỳ diệu! Chúa biết tất cả những nhu cầu của con cái Ngài từng việc lớn đến việc nhỏ.  Khi chúng ta cô đơn, tuyệt vọng và biết kêu cầu nhờ cậy Ngài với tấm lòng tin cậy tuyệt đối, thì Ngài sẽ đáp lời.



“Người công bình kêu cầu, Đức Giê-hô-va bèn nghe,

“Và giải cứu người khỏi sự gian truân

“Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau thương

“Và cứu kẻ nào có lòng thống hối.”



 Trong những ngày này, anh em cùng phòng ai cũng bận rộn viết luận án tốt nghiệp.  Còn tôi, việc học hành đành gát qua một bên. Ngày và đêm, tôi lên Chapel một mình, qùy xuống trong căn phòng rộng lớn và vắng lặng để thỏ thẻ cùng Chúa, nghiêm túc nhìn lại chính mình, xưng hết những lỗi lầm dù lớn hay nhỏ mà bản thân đã vấp phạm cùng Chúa trong những năm tháng qua.    Trong những giờ phút ấy, thật là phước hạnh vì tôi cảm thấy lòng thanh thản vì biết chắc Chúa đã xóa đi những vi phạm của chính mình.  Tôi nghe chừng như Chúa ôm tôi vào lòng và phán rằng:

 “Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi

   “Chữa lành mọi bệnh tật ngươi

       “Cứu chuộc mạng sống ngươi khỏi chốn hư nát,

       “Lấy sự nhơn từ và sự thương xót mà làm mão triều mà đội cho ngươi.”

                                                         (Thi Thiên 103: 3,4)

Tạ ơn Chúa! “Đức Giê-hô-va thương xót kẻ kính sợ Ngài, khác nào cha thương xót con cái mình vậy.” Tung hô danh Chúa! Con ngợi khen Ngài.  Cả thế gian hãy ngợi khen và biết ơn Chúa!

 Dạo này, tôi thường lội bộ ra bưu điện để gọi điện thoại về nhà.  Từ trường ra đến bưu điện phải mất đến hai mươi phút.  Thời tiết lạnh kinh khủng thường dưới hai hay ba mươi độ âm, rất dễ chết cóng.  Mỗi lần đi như vậy, tôi lại cầu xin Chúa: “Chúa ôi! Cho con xe đi bưu điện, con nhớ nhà quá!” Bỗng có một anh em sinh viên nào đó, có lúc là giáo sư ghé thăm tôi và hỏi xem tôi muốn được giúp gì.  Tôi liền đưa cái card điện thoại và mỉm cười.  Thế là tôi có phương tiện Chúa cho đi khi có nhu cầu bởi vì tôi nhờ cậy Chúa.

 Rồi một chiều nọ, tôi bách bộ đến nửa chặng đường; nhưng không thể nào bước thêm được nữa vì trời lạnh như đông đá.  Tôi ngồi xuống, giấu mặt trong cổ áo len và cầu xin Chúa giúp đỡ.  Lần này không có xe cộ của anh em đưa đón vì chiều cuối tuần.  Chúa lại có cách khác che chở.  Ngài cho mặt trời bỗng hừng lên  chiếu thẳng vào chỗ tôi ngồi. Tia nắng ấm làm cho tôi đỡ rét và tiếp tục bước đi trở về trường.

Nỗi thèm khát của tôi trong giai đoạn này là được nói và nghe tiếng Việt.  Tôi thèm hơn bất cứ thứ nào khác bởi vì đa số sinh viên Hàn ở đây không nói giỏi tiếng Anh.  Còn tiếng Hàn tôi chỉ biết đôi chút.  Chính vì vậy, tôi mong có người nói tiếng mẹ đẻ của mình để được chia sẻ, tâm sự những nỗi niềm.  Tôi lại nhờ cậy Chúa.  Mắt dán chặt vào chiếc điện thoại để bàn và cầu xin: “Chúa ôi! Con muốn nói tiếng Việt.” Lạ lùng thay, chuông điện thoại lại reo lên.  Có thể là giọng con gái tôi từ California gọi qua, có thể là Mục sư Lê Tự Cam từ Oregon gọi đến.  Và, có thể là những người công nhân Việt Nam mà tôi đã từng làm chứng cho họ tin Chúa gọi đến thăm hỏi.  Không biết bao nhiêu lần xảy ra tương tự như thế.  Chính những điều này khiến cho đức tin tôi mỗi ngày thêm mạnh mẽ; cũng như nhận biết rằng Đức Chúa Trời là người Cha thiết hữu, thân thiện và đầy quyền năng luôn luôn dõi mắt và bước đi với con cái yêu dấu của Ngài.  Tất cả những điều này ứng nghiệm Lời của Chúa.



“Trong khi cầu nguyện, các ngươi lấy đức tin xin việc gì bất kỳ, thảy đều được cả.”

                             (Mathiơ 21:22)

 Trong ngày gian truân hãy kêu cầu cùng ta:

 “Ta sẽ giải cứu ngươi, và ngươi sẽ ngợi khen ta.”

                             (Thi Thiên 50: 15)


 Loáng thoáng ngày tốt nghiệp đã đến.  Một số anh em trong lớp chúng tôi đã hoàn tất luận án tốt nghiệp.  Bây giờ mọi người được mặc áo chùng đen cười nói vui vẻ trước sân trường.  Những giáo sư trịnh trọng trong những chiếc áo nghi thức sọc đỏ, sọc xanh rực rỡ.  Trên đầu mỗi người đội những chiếc mũ màu đen như bày tỏ chứng cớ của kiến thức, hay ít ra cũng nói lên được một chặng đường thành công mà trên đời họ đã đạt được.  Những hình ảnh ấy có chút gì đó có vẻ vừa kiêu sa nhưng lại vừa quyến rũ! Nhiều người thân của sinh viên tốt nghiệp mang những bó hoa xinh đẹp bọc trong những chiếc khăn vải màu hồng đến chúc mừng.  Còn tôi, một mình đứng nép bên hiên nhà trọ nhìn ra bên ngoài cố kiềm lòng mình để khỏi khóc thành tiếng.  Nhưng, cổ họng nghèn nghẹn và nước mắt vẫn cứ chảy xuống.

        Sân trường hôm ấy bỗng dưng ấm áp lạ thường! Tuyết đã tan.  Những cây anh đào vừa chớm nụ với những sắc màu rực rỡ.  Trên bầu trời trên xanh thẳm, một con chim đơn độc cứ bay một mình và cất lên cái giọng quen thuộc nhưng cũng khá nhức nhối cõi lòng:

“Cắt cô cắt cụt, cắt cô cắt cụt.” Tôi trở vào căn phòng trọ im ắng, lạnh lẽo và hình như trong lòng tôi cũng nghe được tiếng phán thật rõ rang từ nơi Cha:



“Dầu núi dời, dầu đồi chuyển, nhưng lòng nhơn từ ta đối với ngươi chẳng dời khỏi ngươi, lời giao ước bình an chẳng chuyển, Đức Giê-hô-va, là Đấng thương xót ngươi, phán vậy.

“Hỡi người đương cùng khốn, bị bão lung lay, mất sự yên ủi, này ta sẽ lấy đơn sa lát đá ngươi, sẽ lập nền ngươi bằng thanh ngọc.”

                                                 (Ê-sai 54: 10,11)



          Cảm ơn Chúa đã cho quý vị và các bạn kiên nhẫn theo dõi câu chuyện về Tình Yêu và Quyền Năng của Đức Chúa Trời đến đây:  thật ly kỳ, hấp dẫn phải không thưa quý vị và các bạn?  Nhưng quyền năng và tình lùng của Chúa chúng ta chưa dừng lại ở đây.  Những lời chứng sẽ được tiếp tục qua các phần: Đức Chúa Trời ở Hoa Kỳ, Đức Chúa Trời ở Việt Nam, Đức Chúa Trời ở Khắp Mọi Nơi sẽ lần lược được post lên và gửi đến qúy vị và các bạn.

   Xin nhớ đến anh  em chúng tôi cầu nguyện với Chúa để xin Ngài bảo vệ, che chở, ban thêm sức cho anh em chúng tôi làm xong phần việc mà Đức Chúa Trời đã giao phó.

   Xin chân thành cảm ơn quý vị và các bạn.

  Trong tình yêu của Cứu Chúa Jê-sus

    MS Lê Văn Thể

thevanle1711@yahoo.com




     Chương 11: Bài Học Từ Hoạn Nạn

    Tôi trở về Đà Nẵng, thành phố thân yêu của tôi để bắt đầu cuộc sống mới.  Cho dù những hình ảnh cuối cùng của những đầy tớ Chúa thân yêu tiễn tôi ra bến xe buýt trong nước mắt, vẫn còn vương vấn đâu đó trong lòng.  Họ để lại trong tôi những dấu ấn khó quên.   Tuy nhiên, để chiến đấu với hiện tại và  sống xứng đáng cho Chúa trong những ngày sắp đến, tôi xem những gì xảy ra ở Chonju chỉ là giấc mơ dài, giống như dân Chúa thuở xưa đi vào đất hứa Ca-na-an, rồi lưu lạc trong đồng vắng.  Họ đã trải qua bao năm tháng đói khát, rách rưới và nhiều đau khổ.  Nhưng Đức Chúa Trời đã đi cùng họ, giải cứu họ, cung cấp thức ăn ma-na và chim cút.

 Vậy, chiều lại có chim cút bay qua phủ trên trại quân; đến sáng mai lại có một lớp sương ở chung quanh trại quân. Lớp sương đó tan đi, trên mặt đồng vắng thầy có vật chi nhỏ, trìn như hột sương đóng trên mặt đất. Khi dân Y- sơ-ra-ên thấy, bèn hỏi nhau rằng cai chi vậy? Vì chẳng biết vật đó là gì. Môi- se bèn nói cùng dân sự rằng: Ấy là bánh mà Đức Giê-hô-va ban cho các ngươi làm lương thực đó.”

                             (Xuất Ê-díp-tô-ký 16: 13; 14; 15)

 Bây giờ tôi không có lý do gì để buồn thảm nữa. Dân Chúa lang thang trong hoang mạc bốn mươi năm.  Còn tôi, chút hoạn nạn ấy chẳng qua là vì được Đức Chúa Trời thương xót nên Ngài cho roi vọt, rồi Ngài lại băng bó vết thương, và tiếp trợ mọi nhu cầu.
Nếu cuộc sống cứ phẳng lặng, êm xuôi thì lòng tự hào và kiêu hãnh của con người lại nổi sóng.  Tôi tạ ơn Chúa vì Ngài đã làm ơn và thương xót dẫn dắt tôi bước đi trong đường lối của Ngài.  Nếu không có Chúa, cuộc đời tôi chắc hẳn là vô nghĩa, rồi đến chỗ hư mất trong hỏa ngục đời đời.  Một khi chúng ta có tiền bạc, địa vị, quyền thế trong tay là cơ hội dễ bị cám dỗ; sống xa Chúa vì có rất nhiều cạm bẫy vây quanh.



 Ta sẽ dạy dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi;

 “Mắt ta sẽ chăm chú ngươi mà khuyên dạy ngươi,

 “Chớ như con ngựa và con la, là vật vô tri;

 “Phải dùng hàm khớp và dây cương mới cầm chúng nó được,

 “Bằng chẳng, chúng nó không đến gần ngươi.”

                            (Thi Thiên 32: 8;9)

     

    Trong khi trở về với gia đình, đây là thời gian tốt nhất để suy tư về ý nghĩa của một cuộc sống phước hạnh trong Chúa.  Nó chẳng phải là bí quyết gì cao xa hay khó hiểu.  Đơn giản là tấm lòng tin cậy Chúa tuyệt đối, vâng phục Ngài trọn vẹn và biết sống thỏa lòng.  Khi đối diện với lời Chúa, nghiền ngẫm những chân lý mầu nhiệm mà Đức Chúa Trời đã phán dạy qua Kinh Thánh, tôi nhìn nhận ra những vấp phạm, sai trật trong đời sống của mình và ăn năn cùng Chúa.  Không có điều gì xảy ra vô cớ.  Tôi tạ ơn Chúa về hoạn nạn và tin chắc rằng Ngài sẽ chữa lành cho.



                Tôi đã bị hoạn nạn thật lấy làm phải,

                “Hầu cho học theo luật lệ của Chúa…

                “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết rằng sự xét đoán của Ngài là công bình

                Và ấy bởi sự thành tín mà Ngài làm cho tôi khổ nạn.”

                                       (Thi Thiên119: 71, 75)



        Tôi nhớ đến lời an ủi của vị giáo sư Ingo, người Đức khi còn nằm trong bệnh viện: “Em cứ khóc đi!  Nhưng hãy tin rằng những giọt nước mắt của em hôm nay sẽ là những hạt ngọc trong tương lai.”  Điều quý giá của mỗi chúng ta là tấm lòng chứ không phải đôi mắt.  Có mắt mà không nhìn thấy Chúa thì ích chi!

         Quả thật như vậy, tạ ơn Chúa vì tấm lòng tôi được gặp gỡ Chúa.   Đôi mắt tâm linh của tôi nhìn thấy Ngài rõ ràng, cho nên tôi ôm chặt lấy Chúa để kêu cầu:



            “Đức Chúa Trời ôi! Xin thương xót tôi,

            “Vì linh hồn tôi nương náu nơi Chúa

            “Phải, tôi nương náu mình dưới bóng cánh của Chúa,

            “Cho đến chừng tai họa đã qua.

            “Tôi sẽ kêu cầu cùng Đức Chúa Trời Chí- Cao

            “Tức là Đức Chúa Trời làm thành mọi việc cho tôi.”

                                        (Thi Thiên 57:1;2)



        Tận đáy lòng, tôi tin chắc một điều Ngài sẽ giải cứu tôi ra khỏi những phiền muộn tạm thời, và sẽ chỉ cho tôi con đường mà Ngài đã lựa chọn cho mình.   Lời của Chúa có năng quyền đem lại cho tôi sự bình an và tin cậy.  Trong hoạn nạn đã qua, tôi ăn năn cùng Chúa vì đã quá lo lắng đến xác thịt của mình và yêu cái vẻ đẹp bề ngoài hơn là quan tâm đến ý định tốt lành của Chúa.   Tôi đọc lại sách Gióp để tìm ra những bài học của khổ nạn và tình yêu của Đức Chúa Trời đối với con dân của Ngài.   Cảm ơn Chúa, Ngài đã mở mắt tôi ra nhìn thấy được kế hoạch lâu dài đã được hoạch định cho bản thân mình. 

        Tôi  rời khỏi cái giường bệnh tật, yếu đuối, đứng lên một cách mạnh mẽ rồi học thuộc lòng những câu Kinh Thánh này, để làm vũ khí cự địch lại tiếng nói thì thầm, bi quan của ma quỉ:

  

        “Ta đã lập giao ước cùng kẻ được chọn của ta

        “Ta đã thề cùng Đa-vít, kẻ tôi tớ ta mà rằng:

        “Ta sẽ lập dòng dõi ngươi đến mãi mãi

        “Và dựng ngôi ngươi lên cho vững bền đến đời đời…”

       “Tay ta sẽ nâng đỡ ngươi

       “Cánh tay ta sẽ làm cho ngươi mạnh mẽ.”

                        (Thi Thiên 89: 3,4, 21)



         Trời Đà Nẵng  những ngày cuối Xuân thật đẹp.  Tôi đi rửa mặt, chải đầu, thay áo rồi thong thả bước lên sân thượng của nhà mình nhìn về phía đông của thành phố.  Ánh đèn rực sáng nhấp nhô bên bờ sông Hàn. Gạt phăng đi những suy nghĩ tiêu cực, tôi nghĩ đến những ơn phước mà Đức Chúa Trời đã ban cho bản thân và gia đình.  Tôi đếm lại bao nhiêu điều tốt lành mà Đức Chúa Trời đã cho tôi nếm trải.  Ôi, Đức Chúa Trời diệu kỳ!  Bằng những suy tư tích cực, tôi quỳ gối xuống sân thượng thưa với Chúa rằng:

         Lạy Cha yêu thương của con!  Xin chữa lành hẳn vết thương trên da thịt và trong lòng con.  Xin ban cho con sức mạnh để tiếp tục cuộc sống và làm điều gì đó để vui lòng Chúa.”  Thế rồi, trong tâm linh sâu thẳm của mình, tôi nhận ra được tiếng Chúa, tôi biết phải làm gì có ích cho công việc Chúa.  Nghĩ đến ngôi trường dạy ngoại ngữ của mình đang bỏ ngỏ và những linh  hồn  hư mất không biết Chúa  Jê-sus là ai,  lòng tôi rạo rực trông chờ ngày trở lại bục giảng… 

         Nhìn về phía núi Sơn Trà, một khoảng trời bao la, bát ngát như tình yêu vô bờ bến của Cứu Chúa Jê-sus.  Ngài đang ngồi bên hữu của Đức Chúa Trời để cầu thay cho chúng ta.



         “ Người ta sẽ chẳng gọi ngươi là kẻ bị bỏ nữa, chẳng gọi đất ngươi là đất hoang vu nữa; nhưng sẽ gọi ngươi là kẻ mà ta ưa thích và đất ngươi sẽ được xưng là kẻ có chồng, vì Đức Giê-hô-va sẽ ưa thích ngươi, và đất ngươi sẽ có chồng.”

                                           (Êsai 62: 4 )


------------------------

                Kỳ tới:   Giã Từ Quê Hương



Quý vị sẽ chiêm ngưỡng  sự giải cứu ngay tức khắc của Đức Chúa Trời, người Cha  Quyền  Năng duy nhất; giàu  lòng yêu thương, không hề chậm trễ…

       By Ms Lê Văn Thể

         thevanle1711@yahoo.com