Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Làm bởi Tin

*(mondoJesus.blogspot.com)  Có bao giờ bạn tự nhiên đam mê làm điều gì đó vì nghĩ rằng nó sẽ làm vinh hiển Chúa? 
Do it!

Một thời gian năm 2010 tôi có dịp quen  một nhóm bạn yêu vọng cổ.  Chưa bao giờ tôi thấy vọng cổ quê hương độc đáo và thần sầu như thế!  Nó khiến tôi phải nghĩ, “Tại sao mình không rao truyền Lời Chúa qua vọng cổ cho những bạn này, và tương lai lập đoàn cổ nhạc Tin Lành ở Việt Nam?” 

Hàng chục triệu đồng bào miền Nam yêu vọng cổ, đang lan ra miền Trung và Bắc.  Các tín đồ Korean và Japanese đã đưa cổ nhạc của họ vào thánh ca và trình diễn khắp thế giới.  Sao lại không là vọng cổ phúc âm nhỉ?

Rồi tôi đam mê học đàn guitar phím lõm, còn bà xã học hát vọng cổ.  Sau hai tháng tôi đàn được sáu câu kép xề, dư để bà xã hát bốn câu (1, 2, 5 và 6).  Chưa hết, tôi còn phổ Lời Chúa thành vọng cổ dễ dàng với bí quyết biến chữ cuối thành xang, xê, cống, hò, xề.

Tết năm đó, chúng tôi gọi thăm gia đình ở Việt Nam và chúc Tết với bốn câu vọng cổ Lời Chúa.  Gia đình ngạc nhiên hỏi, “Ở Mỹ mà học đàn hát vọng cổ nữa sao?”

Nhưng Chúa đã có chương trình trước khi chúng tôi thấy kết quả.

Một năm sau, 2011, chúng tôi về quê hương với chương trình huấn luyện môn đồ. 

Trong giờ giải lao tôi nhờ một người mua giùm cây đàn thùng vọng cổ.  Khi đó mới khám phá mục sư Danh trước đây là tay đàn vọng cổ điêu luyện được chính cha ruột truyền nghề.  Cha nói, “Ba là tay đờn chuyên nghiệp mà chẳng đứa nào muốn học.  Ba phải bắt một đứa để truyền nghề kẻo không ba mất rồi thì mai một tài năng.”  Thế là cậu bé Danh trở thành tay đờn vọng cổ bất đắc dĩ! 

Oái ăm thay vì đờn giỏi nên cậu Danh lớn lên đã sa đời vào tiếng đờn với âm điệu mê hồn đó!

Khi được Chúa kêu gọi, Danh trở thành mục sư nên đập đàn đeo đuổi đạo để tránh thành kiến xướng ca vô loại!
Nhưng nghiệp đờn khó bỏ. Bà xã tôi nhờ MS Danhđờn để hát vọng cổ bài Tình Yêu Thương (1 Cô-rinh-tô 13) trong buổi học HLMĐ, và tài năng của mục sư Danh đã sống lại với ích lợi bội phần hơn trước.  http://youtu.be/ni09l2a7bDQ


Chỉ sau một tháng chia tay, tháng 10 năm 2011, MS Danh từ Vũng Tàu gọi chúng tôi báo tin mừng: Lập được hai nhóm HLMĐ gồm 18 người.

Bốn tháng sau đó, MS Danh gọi báo một tin mừng khác: Lập được nhóm truyền giáo vọng cổ Tin Lành gồm 20 người tình nguyện.  Cuối tháng Ba này, 2012, là buổi truyền giáo Tin Lành qua vọng cổ đầu tiên của nhóm.  Nhóm sẽ lưu động khắp miền Nam đến nơi nào Chúa mở đường! 

Chưa hết, được khích lệ qua thotinhJesus.blogspot.com, nhóm tự sáng tác vọng cổ dựa vào Lời Chúa.  Tuần qua, nhóm có gọi tôi và hát thử  qua phone một bài tự sáng tác, và một bài của soạn giả Bá Nguyên, Tiếng Vọng Đồi Gô-gô-tha. 

MS Danh nói với giọng vui mừng, “Bây giờ em đã có khải tượng và hướng đi: Truyền giáo qua vọng cổ, rồi huấn luyện tân tín hữu thành môn đồ trưởng thành.”

Bây giờ tôi mới hiểu sâu sắc tại sao Phao-lô nói, “Phàm làm điều chi không bởi đức tin thì điều đó là tội lỗi” (Rôma 14:23).  Nếu chúng tôi không đam mê học đàn và hát vọng cổ với niềm tin làm vinh hiển Chúa, thì có lẽ chúng tôi đã phạm tội rồi.  Thế thì, tin mà không làm cũng là phạm tội!

Đặt thành công thức, thì:

            làm + 0tin = phạm tội   ó  tin + 0làm = phạm tội
       

by Thang Chu                                                         
March 26, 2012






Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Tiếng Gọi (tt)

by Pastor The Le Van
Ước ao được nghe những lời phê bình góp ý chân tình của qúy ông bà anh chị em trong Chúa, để tôi có dịp "edit" lại trước khi cho cuốn sách ra mắt chính thức. Mọi đóng góp của qúy vị và các bạn là những phần thưởng qúy giá và quan trọng đối với tôi. Tôi muốn cuốn sách được đem lại kết quả cho công việc Chúa và xin dâng sự vinh hiển lên cho Ngài. A men!


Đức Chúa Trời ở Việt Nam

( tiếp theo)



6. Cơn điên

“Kẻ nào phạm tội ngoại tình với người đàn bà, tất vô tâm vô trí: Ai làm như vậy khiến cho lình hồn mình hư mất. Người ấy sẽ bị thương tích và khinh bỉ, sự sỉ nhục người ấy chẳng bôi mất đi.”

(Châm ngôn 6: 32, 33)

Vốn là học trò ban văn chương trước 1975, nên tôi có niềm say mê với văn học nghệ thuật. Cho nên một tối nọ cố chen mua cho được một cái vé để xem kịch Lưu Quang Vũ. Đêm ấy, đoàn kịch Hà Nội diễn vở Hoàng Tử Pơ-rim và nàng Si-ta. Những bi thương và kịch tính của sân khấu làm cảm động lòng người. Những oan trái khổ đau của một kiếp người bị ruồng rẫy, sống trong tủi hận bị ức hiếp bởi kẻ cai trị ngu dốt, bù nhìn và, cuối cùng người phụ nữ kia đi tìm cái chết. Vở kịch ẩn chứa nỗi thống khổ của con người sống giữa cái xã hội đầy bất công, những oan khiên chống chất cho đến nỗi loài khỉ không muốn làm người.

Ánh đèn mờ chập chùng trong tiếng nhạc du dương và ai oán; đã đưa tôi vào một thế giới khác; thoát ly khỏi thực tại và thả hồn bay theo ảo mộng. Tôi cố xô đuổi hình ảnh của nàng Si-ta ra khỏi trí óc của mình. Nhưng với bản ngã yếu đuối, tôi không thể nào kềm chế nổi sự cám dỗ chết người trước những rung động. Con người cũ trong tôi bỗng sống dậy mãnh liệt. Thế rồi, tôi bắt đầu rong ruỗi chạy theo những điều lòng mình ưa muốn, gạt bỏ qua một bên những lời khuyên dạy của Đức Chúa Trời. Cái mặc cảm tội lỗi vì không nghe tiếng Chúa đã khiến tôi xa cách Ngài, không dám đối mặt trong sự cầu nguyện. Tôi như con chim đau đớn vì thương tích từ những mũi tên của loài qủy dữ. Nhưng có một điều thật lạ lùng đó là tình yêu của Cứu Chúa Jêsus. Ngài đã đổ huyết vô tội của mình để cứu lấy những đứa con tội lỗi. Cho nên Ngài vẫn cứ xót thương cho dù tôi chẳng xứng đáng gì với ân điển cao vời đó. Ngài đã đánh thức tôi dậy sau giấc ngủ bất an đầy rối loạn!

Tôi trở về nhà vào một đêm rất khuya, say khướt. Nhà đóng cổng, tôi trèo rào bước vô. Nhìn trên bàn, mâm cơm vẫn còn nguyên vẹn. Hai cái chén cùng với đĩa rau muống luộc; một quả trứng gà cạnh chén nước mắm. Nhà tôi đã ngủ say,tay gát trên trán. Con tôi, hai đứa bình yên trong lòng mẹ. Nhìn cái hình ảnh đáng yêu ấy làm cho lòng tôi xúc động. Một sự ăn ăn trào lên và tôi vội qùy xuống xưng tội cùng Chúa. Sáng hôm sau, tôi đến nhà thờ lúc năm giờ để cầu xin với Chúa; hứa từ bỏ những tháng ngày lung lạc và quyết tâm sống theo những lời khuyên dạy của Ngài.

Trước ngày rời Việt Nam, một người anh trong Chúa có tặng tôi bài thơ mà anh ấy nói rằng tác giả là một người Y-pha-nho. Bài thơ dài được dịch sang tiếng Việt, trong đó có đoạn:

Nếu trước kia trên nẻo đường phiêu đãng

Ai hỏi tôi sẽ dừng lại nơi đâu?

Tôi trả lời ngay, chuyện đó còn lâu

Vì đường giang hồ đưa về vô tận

Bãi vi lau hay những bờ cát trắng

Chỉ là nơi thuyền tạm ghé mà thôi

Vầng trăng khuya không buộc chặt hồn tôi

Tình du tử cắt rời niềm lưu luyến…

Tôi ra đi thầm lặng và đơn côi

Mái tóc đẹp nhòa dần theo kỷ niệm

Những cặp mắt ngỡ ngàng nơi góc biển

Những bàn tay trắng mịn cuối chân trời

Khi hoàng hôn vừa cạn chén ly bôi

Lời âu yếm khác chi lời gió thoảng

Tình thắm đẹp khi rơi vào quên lãng

Thì hương thơm mang sẵn vị chua cay

Người giang hồ là hình ảnh mây bay

Phiêu du mãi trên nền trời bát ngát

Đôi khi tươi xanh và trong mát

Đôi khi bão táp buồn âm u

Mùa đông về lạnh lão tiếp sầu thu

Mùa hạ ấm sau mùa xuân rộn rã

Mây vẫn bay qua miền quen hay xứ lạ

Trong ngày quang hay những tối không trăng

Là giang hồ ôm giấc mộng vây quanh

Có ai nói sẽ dừng chân lữ thứ

Nhưng thuở ấy nay trở thành quá khứ

Mỏi giang hồ tôi dừng lại nơi đây

Bài thơ dài cắt đứt những câu say

Để viết tiếp bằng những câu thành thật

Đời mưa gió lạnh vai ướt ngực

Tình ngã nghiêng đôi mắt nhức đau thương

Mối tình sầu đem gửi gió mười phương

Trả sương lạnh cho ánh đèn hải cảng

Có những lúc gục đầu trong đêm tửu quán

Có những giờ say chén rượu cháy vành môi

Trả tôi về những ngày cũ đơn côi

Tôi đành sống êm hòa và thuận phục

Giản dị lắm tôi trở về hạnh phúc

Của người chồng biết yêu vợ thương con

Con của tôi cặp mắt to tròn

Cười nũng nịu niềm vui hồn hậu quá

Vợ của tôi như hạt sương trong nếp lá

Đẹp long lanh mỗi lúc ngước nhìn tôi

Hạnh phúc bình thường nhưng rất xinh tươi

Tôi đón nhận với tình yêu đơn giản

Nhưng có lúc vì quá ư phẳng lặng

Tôi chợt thương chợt nhớ thuở xưa kia…

Tình thuở ấy giờ đây thôi đã hết

Nên buồn thương đôi lúc đến trong mơ

Nhưng chỉ thóang qua nhè nhẹ hững hờ

Như nét vẽ như vần thơ rất mỏng

Khi con tôi đưa bàn tay bé bỏng

Sẽ hỏi tôi và gọi khẽ, “ba ơi”

Thì mùa xuân lại đến với làn môi

Tóc lại đẹp với bình minh tươi trẻ

Tiếng chim ca lại bừng lên vui vẻ

Gió trên cành rạo rực bướm tình si

Khi vợ tôi với sắc đẹp nhu mì

Cười âu yếm hỏi anh, “sao chưa ngủ?”

Thì mùa xuân tan dần trong sương phủ

Trời thương yêu tinh tú sáng long lanh

Tôi bảo nàng hãy cầm lấy tay anh

Cho hạnh phúc đượm thêm màu ân ái…

Cảm tạ Đức Chúa Trời đã cho tôi cắt đứt với quá khứ của một thanh niên lãng tử, bằng lòng sống thuận phục trong tình yêu mà Ngài đã ban tặng. Không có gì qúy hơn được sống bên những người thân thích và ruột thịt của mình. Trong kinh nghiệm này, bài học từ sách Châm Ngôn vô cùng ý nghĩa:

“Hãy uống nước hồ con chứa, và nước chảy trong giếng con

“Các nguồn của nó há tràn ra ngoài đường, và các suối của con tuôn nơi phố chợ…Con hãy lấy làm vui thích nơi vợ con cưới buổi đang-thi

“Như nai cái đáng thương và hoàng dương có duyên tốt.

“Nguyện nương-long nàng làm thỏa lòng con luôn luôn

“Và ái tình nàng khiến con say mê mãi mãi (Châm ngôn 5: 15-19)

“Kẻ nào phạm tội ngoại tình với người đàn bà, tất vô tâm vô trí: Ai làm như vậy khiến cho lình hồn mình hư mất. Người ấy sẽ bị thương tích và khinh bỉ, sự sỉ nhục người ấy chẳng bôi mất đi.”

(Châm ngôn 6: 32, 33)

7. Quyền năng của sự chữa lành

Tháng 9- 1987

Trong căn nhà mới của chúng tôi mà Chúa vừa cho mua được, nằm sâu trong con hẻm của khu chợ Mới bùn lầy tanh tưởi. Tôi nằm trên giường đã hơn ba ngày rên rỉ vì đau đớn. Một tai nạn đã xảy ra trên đường đến nhà thờ vào một sáng Chúa nhật. Xe Honda của tôi bị ngã xuống vì một chiếc xe xích lô húc vào. Vợ con tôi cùng ngã xuống đất nhưng bình yên. Chỉ riêng tôi không đứng dậy được.

Theo lời người thầy thuốc chuyên khoa bảo rằng lớp mỡ bên hông bị giãn ra, và vài đốt xương bị thương tổn. Tôi đã đến một lương y gia truyền để mua thuốc của ông thầy Vàng về uống và xoa bóp, nhưng vẫn không khỏi. Bác sĩ Đại đã mèn xương, nhưng không kết quả. Thế rồi, tôi vẫn nằm bất động trên giường thở than cùng Chúa, kiểm điểm lại cuộc sống của bản thân mình tìm xem những điều gì chưa đẹp lòng Chúa.

Rồi một ngày nọ, có ba người phụ nữ đến thăm. Hai bà là vợ của mục sư Mã Phúc Minh, mục sư Nguyễn Tợi cùng bác Việt Hương. Đến giờ cơm trưa, gia đình chúng tôi mời qúy bà dùng bữa. Trước khi ăn, qúy bà cùng cầu nguyện cho tôi. Bác Việt Hương cầu xin với Chúa giọng thiết tha và ngọt ngào:

“Lạy Chúa là Cha của chúng con. Xin Cha thương xót thầy Văn. Cảm ơn Cha vì điều đó đã xảy ra để làm vinh hiển danh Cha. Con tin rằng giờ này đây Chúa sẽ chữa lành cho thầy. ‘Mọi việc hiệp lại lám ích cho công việc của Đức Chúa Trời.’ Thầy Văn có vấp phạm điều gì xin Cha tha thứ và chữa lành cho…”

Lời cầu nguyện vừa chấm dứt, một phép lạ cũng vừa xảy ra. Như có tia điện chạy vào tòan thân chạm mạnh vào chỗ đau; làm tan biến sự nhức nhối trong khoảnh khắc. Tôi nghe như có bàn tay êm dịu đỡ tôi ngồi dậy. Tôi vui mừng trong nỗi ngạc nhiên và sợ hãi. Tôi thử bước chân xuống đất, rồi đi qua đi lại, nhảy lên. Ồ lạ lùng, tôi hoàn toàn bình thường vì Chúa đã chữa lành vết thương. Mọi người trố mắt nhìn tôi không ngớt lời cảm tạ ngợi khen Chúa. Ngay sau giờ phút đó, cái bàn thờ ông bà trên gác lửng của ba mẹ tôi được dọn dẹp. Chúa nhật của tuần lễ đó, cà gia đình tôi đến nhà thờ tiếp nhận Chúa Jêsus.

Từ biến cố được chữa lành, trong đời sống tôi có rất nhiều thay đổi. Tôi gần gũi Chúa hơn. Những thắc mắc, hồ nghi về những câu chuyện trong Kinh Thánh dần dần biến mất. Tôi hoàn toàn tin vào quyền năng của sự chữa lành của Chúa. Tôi nhớ lại nhiều câu chuyện được chữa lành trong quyển sách “Thượng Đế Còn Làm Phép Lạ” của bà Kathryn Kuhlman, và tin rằng Chúa Jêsus hôm qua ngày nay và mãi mãi không bao giờ thay đổi.

Cũng từ đó được sự quan tâm giúp đỡ của nhiều tôi tớ Chúa, tôi tập tễnh đi nhiều nơi để làm chứng nhân cho Đức Chúa Trời.

“Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, bởi sự sửa phạt người chịu, chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.”

(Ê-sai 53: 5)

8. Chúa mở đường

Trên đường từ nhà thờ Quế Sơn trở về Đà Nẵng, lòng tôi buồn man mác không hiểu tại sao Chúa vẫn để chúng tôi còn nhiều lận đận về cơm áo? Tôi vẫn phải những công việc mà tôi không ưa thích. Tôi làm nghề chụp ảnh công viên với những tháng năm buồn tủi. Rồi tham gia vào những chuyện làm ăn mua bán phiêu lưu. Tôi rất ngại tiếp xúc những con người mánh mung gian trá. Tôi cố nài xin Chúa mở đường cho tôi một công việc làm ăn lương thiện và phù hợp với năng khiếu của mình. Ngày tháng vẫn cứ trôi qua trong nỗi khắc khoải đợi chờ…

Gia đình tôi đông người, tám nhân khẩu. Cha mẹ già yếu, công việc làm ăn của tôi thất thường và lây lất. Vợ tôi ngoài việc đi dạy ở trường, về nhà còn phải tất bật với cái quày buôn bán nước mắm. Mỗi sáng lúc 5 giờ, tôi và đứa con gái đầu năm tuổi, hai cha con đèo nhau trên xe đạp ra chợ Cồn mua các loại trái cây như cốc, ổi, mía, xoài về bán thêm cho trẻ con trong xóm. Bé Hạnh đi với tôi cho có bạn và trông coi xe đạp. Có lần nó thèm ăn chôm chôm mà tôi không đủ tiền nên dạy cho nó bài hát: “Muốn chôm chôm mà không có tiền, không có tiền thì không có chôm chôm.” Nó nhanh nhẹn hát theo và trả lời: “Thế thì ba mua cho con củ khoai cũng được.” Tôi ngồi xuống ôm con gái vào lòng; xoa trên cái đầu bé bỏng của nó. Những giọt nước mắt âm thầm chảy xuống. Tình cảnh của chúng tôi bây giờ sống thật đơn sơ và nghèo khó. Mỗi tháng chỉ mong có được đủ củi đun bếp và gạo đầy thùng thì đã yên lòng.

Như bao nhiêu gia đình khác, chúng tôi cùng chung hoàn cảnh sau những đổi thay của đất nước. Mỗi người quần quật làm việc ngày đêm mà vẫn không đủ sống. Chính vì những khó khăn cực kỳ vây hãm, khiến cho con cái của Chúa lắm khi cũng hành động theo ý riêng của mình. Không còn đợi chờ Chúa nữa, tôi quyết định “tự mở đường!” Aó quần đã bỏ vào chiếc xách tay, chuẩn bị về quê để tham gia vào giới buôn trầm. Đang ngồi ăn sáng, bỗng chiếc xe Hon-da đỗ xịch trước nhà. Một người đàn ông chậm rãi bước vào. Tôi nhận ra đó là một giáo sư ngoại ngữ, đến mời tôi hợp tác dạy tiếng Anh. Tôi nhận lời mà không cần suy nghĩ. Chúng tôi tạ ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã thương xót, không muốn tôi dính líu vào những chuyện làm ăn phiêu lưu và liều lĩnh!

Lòng tôi hoan hỉ được trở về với cái nghề yêu thích. Tôi say mê trong những giờ lên lớp. Tháng ngày qua đi êm đẹp trong niềm vui rộn ràng của một nhà giáo. Tôi luôn cầu nguyện biết ơn Chúa trước những giờ lên bục. Học trò tôi già trẻ, lớn bé nhiều hạng tuổi khác nhau, xuất thân đủ mọi thành phần. Nhưng giữa họ và tôi không hề có khoản cách; bởi vì trong tôi được mặc lấy một thứ tình yêu mà người thế gian không thể có.

Ngài sẽ nghe lời cầu nguyện của kẻ khốn cùng

“Chẳng khinh dễ lời câu xin của họ.”

(Thi Thiên 102: 17)

9. Hy vọng đời sau

Ngày 30-4-1990

Bệnh suy tim của mẹ tôi mỗi ngày thêm trầm trọng. Bác sĩ đã bó tay khuyên cho bà nghỉ ngơi và ăn uống bổ dưỡng. Chúng tôi cầu nguyện thiết tha xin Chúa cho bà sống thêm vài năm nữa. Suốt cuộc đời mẹ tôi chưa có một ngày thong thả. Tôi ước ao mẹ tôi được thỏa lòng vui hưởng hạnh phúc bên con cháu. Nhưng có lẽ đã qúa muộn màng vì mẹ tôi sẽ không còn được sống bao lâu nữa. Theo lời chẩn đoán của bác sĩ bệnh viện Đa Khoa, thì mẹ của tôi đang ở thời kỳ cuối cùng của bệnh suy tim già, bội nhiễm phổi. Chúng tôi kiên nhẫn cầu nguyện và đưa mẹ tôi đến gặp bác sĩ Quyền, nổi tiếng về chuyên khoa tim. Ông nhận lời theo dõi và điều trị. Kết cuộc Chúa cho mẹ tôi sống thêm được ba năm. Vào những ngày cuối Xuân năm 1990, sau cơn đau khủng khiếp, mẹ tôi rên rỉ và ngất đi. Vừa từ trường trở về, vợ chồng chúng tôi qùy gối cầu nguyện: “Lạy Chúa, mẹ của chúng con đau đớn quá! Xin Chúa chữa lành cho mẹ con. Nếu đẹp ý Ngài thì cho mẹ con được về cùng Chúa một cách bình an.” Ngay tức khắc mẹ tôi hết rên rỉ và ngủ thiếp. Chúa khiến cho tôi cũng ngủ quên đi. Trời chưa sáng, tôi giật mình thức giấc, chạy qua phòng mẹ, sờ tay lên trán của bà, lạnh ngắt. Tôi đặt tay lên ngực, chỉ còn chút hơi ấm thoi thóp. Tôi vội vàng đánh thức cả nhà dậy, vây quanh giường mẹ, chúng tôi quỳ xuống thưa với Chúa trong những giọt nước mắt:

“Chúa ôi! Thế là Ngài đã cất mẹ của chúng con về với Ngài… Tạ ơn Chúa…” Tôi không thể nói gì thêm hơn được nữa. Một nỗi xót xa vô tận nghẹn cứng ở cổ. Dẫu biết rằng, linh hồn mẹ tôi chắc sẽ về cùng Chúa, nhưng sao trong tôi cảm thấy hụt hẫng trước sự ra đi này.

Còn nỗi buồn nào hơn khi chia tay với người thân yêu nhất của mình? Bản thân tôi bị dày vò vì bao nhiêu ân hận, không cảm thấy thỏa lòng trong sự chăm sóc khi mẹ tôi còn sống. Nhà tôi nghèo cùng chung trong nỗi bất hạnh của đất nước sau chiến tranh. Mẹ tôi chưa một lần được đi nhà hàng sang trọng, chưa được tắm vòi sen, cũng chưa có được những bộ áo quần xinh đẹp. Thế rồi, mẹ tôi ra đi mà chưa được nhìn ngắm đứa cháu nội trai mà lòng bà ao ước. Nó đang còn ở trong bụng!

Mẹ thường bảo con ôi, đừng gian dối

Thương người ta đừng đổi dạ thay lòng

Với tháng năm khắc khoải chờ mong

Cô dâu trẻ đưá cháu đầu kháu khỉnh

Giống hệt như cha dáng to tròn trĩnh

Để mỗi chiều mẹ ru hát ầu ơ…”

Trong những ngày này, gia đình chúng tôi sống trong sự chật vật. Mới bắt đầu đi dạy lại lương ba đồng ba cọc chẳng đủ thiếu vào đâu. Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài đã chăm sóc lo liệu mọi sự. Từ Hội Thánh, các đầy tớ Chúa và anh em trong cùng đức tin, mỗi người một tay lo cho tang lễ vinh hiển danh Chúa.

Những ngày đầu vắng mẹ, nhà chúng tôi quạnh quẽ lắm. Ba tôi trở nên ít nói. Hai đứa con gái của chúng tôi buồn xo. Còn tôi đêm đêm từ trường trở về lên gác nằm khóc. Nhìn những kỷ vật: cái nồi đồng sứt quai, đôi dép tôi mới mua cho mẹ, cái giá tráng bánh, cái áo len bạt màu… lòng tôi nhói đau và cầu xin Chúa ban cho niềm an ủi. Cả cái quá khứ dài đằng đẵng mẹ tôi gánh chịu bào nhiêu là gian khổ ở một miền quê hẻo lánh. Chúng tôi được lớn lên trong mái nhà tranh xiêu vẹo ngô khoai qua ngày. Mẹ tôi phải thức dậy sớm trước khi gà gáy sáng để xay bột, tráng bánh, và nuôi chúng tôi khôn lớn. Bao nhiêu giải nắng dầm mưa mẹ tôi oằn vai gánh chịu. Thương con mùa đông không có áo, bà lặn lội đi bộ nửa ngày đường để vay tiền mua cho tôi chiếc áo lạnh. Những ngày vào đại học, mẹ tôi bán hết cả đàn heo mà vẫn không đủ mua nổi cái vé máy bay. Khi lấy vợ, mẹ tôi lại tiếp tục nuôi heo và hy vọng đủ sắm cau trầu để cưới vợ cho con. Nào ngờ bầy heo bị dịch chết, bà buồn bã khóc mấy ngày đêm. Từ nhà quê về thánh phố cưới vợ, tôi chở mẹ tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch, lại đèo thêm buồng cau nặng trĩu. Đi một đoạn thì phải dừng lại vì mông của bà sưng lên không chịu nổi! Đám cưới con trai, không có nhẫn vàng cho cô dâu, không tiệc tùng ăn uống. Đêm tân hôn, mẹ tôi muốn sống cùng con trai để nhìn thấy hạnh phúc của nó, nhưng bà không thể ở lại, vì tôi “bị”gửi rể. Phút chia tay trở về quê hai mẹ con cùng khóc. Đêm tân hôn của chúng tôi không có gì cả ngoài một bài thơ:

Hạnh phúc về sao tôi lại khóc

Bạn bè ôi, tôi muốn ôm hôn

Những tấm lòng phong trong giấy kín

Những bàn tay siết chặt đáy hồn

Cánh cửa khép bạn bè đi mất hút

Chỉ còn đây ly tách ngổn ngang

Tôi cúi mặt gục đầu trên nệm mới

Rượu tân hôn pha lẫn chút men tàn

Cánh cửa khép mọi người đi mất hút

Những bà con cha mẹ bỏ tôi về

Gần ba mươi tôi làm thân gửi rể

Trong lòng buồn như mới tập làm dâu

Bên người vợ thơm mùi gối mới

Đêm tân hôn thức trắng làm thơ

Bao chờ đợi vẫn nguyên còn trinh tiết

Mà tình yêu chẳng có bến bờ!

Đà Nẵng 17/5/ 1980

Giờ này đây, tôi tin rằng, mẹ tôi đã ngủ yên trong vòng tay của Chúa. Bà được giải phóng khỏi những tháng năm nhọc nhằn lao khổ của trần thế. Linh hồn bà được yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. Vào một ngày tương lai khi Chúa tái lâm chúng tôi sẽ được gặp lại nhau.

“Phước cho người chết là chết trong Chúa! Đức Thánh Linh phán: Phải vì những người ấy nghỉ ngơi khỏi sự khó nhọc, và việc làm mình theo sau.”

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Hội Thánh Không Phát Triển


Hôm nay tôi xuống tinh thần và rất tuyệt vọng trong nỗ lực phát triển hội thánh Việt Nam ở Mỹ.  Tôi ước gì có một mục sư hoặc tín hữu nào đó viết blog để tôi tìm được khích lệ nhưng chẳng thấy.  Tôi chợt nghĩ tới vị mục sư được nhiều người ngưỡng mộ: MS Rick Warren. 

Ông đưa ra 10 rào cản chung khiến các hội thánh không tăng trưởng 
http://pastors.com/four-more-barriers-that-hinder-small-group-growth-part-2/

1) Các thành viên không đem bạn đến hội thánh.

2) Người ta sợ tăng trưởng sẽ phá huỷ tình thông công.

3) Các hội thánh được thúc giục bởi truyền thống hơn là những mục đích của Đức Chúa Trời.

4) Các hội thánh đang cố thu hút mọi người.  Nếu bạn hỏi hội thánh, “Ai bạn đang muốn tiếp cận?”  họ sẽ trả lời “mọi người.”  Nghe hay lắm, và hợp Kinh Thánh, nhưng thực tế, không hội thánh nào có thể là mọi thứ cho mọi người.  Giây phút bạn quyết định kiểu loại hội thánh bạn sẽ trở nên, bạn quyết định ai bạn sẽ tiếp cận tốt nhất.  Bạn có thể tưởng tượng một đài phát thanh chơi nhạc techno một phút rồi cổ điển tiếp sau?  Loại khán giả nào họ sẽ có?  Không ai cả!  Bạn phải xác định mục tiêu của bạn.  Hãy bắt đầu bằng câu hỏi sau:

Ai giống tôi?  Tốt nhất, bạn có thể tiếp cận người giống bạn.  Sẽ ra sao nếu nhóm nông gia tiếp cận nhóm khoa học gia?  Hoặc cộng đồng lính chiến (military personnnel) tiếp cận cộng đồng lính hòa bình (peacekeepers)?  Câu hỏi đầu tiên người ta hỏi khi thăm viếng hội thánh của bạn không phải là câu thần học.  Câu hỏi đầu tiên họ hỏi là, “Có ai ở đây giống mình không?”

Ai đang trong hội thánh của bạn?  Bất kỳ ai bạn muốn tiếp cận, bạn cần đặt những loại người đó hiển hiện trong phục vụ của bạn.  Nếu bạn muốn tiếp cận gia đình, hãy khiến trẻ em xuất hiện.

Ai tạo nên cộng đồng quanh bạn?  Nếu bạn thấy người trong hội thánh của bạn không giống người trong cộng đồng bạn, bạn có hai lựa chọn: Tiếp tục làm điều bạn đang làm, nhưng làm tốt hơn.  Vẫn có khả năng tăng trưởng giới hạn.  Hoặc, bạn tìm địa điểm mới.  Có lần tôi đã giúp ba hoặc bốn hội thánh di chuyển cùng lúc, một là Mỹ Châu Phi, một Mễ, một Châu Á, và một Mỹ Trắng.  Trong một tuần, để tiếp cận cộng đồng mới tốt hơn, tất cả họ đều thay đổi binhđing!  Tại Saddleback, chúng tôi nói hơn 70 ngôn ngữ.  Nhưng chúng tôi không được vậy trong một đêm, chúng tôi xây dựng từng tiêu điểm từng lúc.

5) Hội thánh hướng-vào-chương-trình hơn là hướng-vào-tiến-trình.   Hướng-vào-chương-trình nghĩa là bạn xây dựng hội thánh của bạn trên chương trình (program) trường Chúa Nhật, chương trình phụ nữ, chương trình trẻ em, chương trình những người độc thân, vân vân.  Chẳng gì sai với những chương trình, nhưng bạn không xây dựng hội thánh của bạn nhờ những chương trình được.  Bạn xây dựng nó trên tiến trình (process) đem người đến (truyền giáo), xây dựng họ trong Đấng Christ (môn đồ hóa), dạy họ cách phục vụ (mục vụ), gửi họ đi ra (công tác), và tất cả cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (thờ phượng).  Saddleback đã đang làm điều này trong 32 năm; tiến trình đó không bao giờ thay đổi.

Khi có người hỏi, “Bạn sẽ làm gì trong năm tới?”  Tôi không hề tự hỏi chương trình gì chúng tôi sẽ làm hoặc sẽ không làm.  Trước hết chúng tôi nhìn vào tiến trình và hỏi thể nào chúng tôi có thể đem người vào tốt hơn, gây dựng họ, dạy họ cách phục vụ, gửi họ ra đi, và tất cả vì vinh hiển Đức Chúa Trời.  Chúng tôi dùng hình ảnh viên ngọc dã cầu (baseball diamond), và, dùng nó, mọi người trong hội thánh chúng tôi có thể giải thích tiến trình của chúng tôi.  Nếu người ta không có lằn đường chạy, họ không thấy mình tiến bộ được.  Một khi bạn có một tiến trình, khi đó bạn gây dựng chương trình xoay quanh đó.

6) Hội thánh tập trung vào họp hành thay vì mục vụ.  Chúa Giê-su không nói, “Ta đến để các ngươi được họp hành.”  Khi bạn đo lường hội thánh của bạn chỉ trên số người dự, bạn biết rằng bạn đang phạm sai lầm.  Số người dự là sát hạch quan trọng, nhưng nó không là điều quan trọng nhất.  Việc tập trung vào họp hành tạo ra một hội thánh thụ động.  Chúng ta không cần thêm buổi họp hành nữa; chúng ta cần thỏa đáp nhiều nhu cầu hơn nữa.  Tôi tin rằng nhiều hội thánh có thể cắt phân nửa các buổi họp, và nhờ đó họ sẽ lành mạnh hơn.  Nếu tôi được một cá nhân sắc bén đến hội thánh, điều cuối cùng tôi muốn làm là gắn anh ấy vào  ban ngành và biến anh thành quan liêu.  Tôi muốn anh ấy phục vụ trong mục vụ.

Khác nhau giữa buổi họp và mục vụ là buổi họp thảo luận điều người khác đang làm, còn mục vụ là đi ra và thực hành nó.  Bạn phải biến mỗi thành viên thành mục sư.

7) Hội thánh dạy dỗ mà không thực hành.  Thông giải mà không áp dụng là phá bỏ.  Bạn đang phá bỏ bản văn, vì Kinh Thánh không phải được ban cho để gia tăng kiến thức chúng ta, nhưng để thay đổi đời sống chúng ta.  Hãy tập trung vào vâng phục theo thông điệp của bạn.  Hãy nắm Lời Chúa và khiến nó sống động.

8) Hội chúng không tin tưởng người lãnh đạo của họ.  Mọi điều bạn làm như người lãnh đạo đều được xây dựng trên sự tin tưởng.  Nếu bạn đánh mất lòng tin của họ, tựa như bạn từ chức.  Cần nhiều năm để tạo lòng tin, nhưng bạn có thể mất nó ngay lập tức.  Bạn phải gây tín nhiệm để được quyền lãnh đạo.  Khi bạn đến ngân hàng mượn tiền, việc đầu tiên họ làm là xét tín chỉ của bạn.  Nếu bạn có tín nhiệm, thì bạn đáng được lòng tin của ngân hàng.  Người ta đang kiểm tra tín chỉ của bạn về sự lãnh đạo mỗi giây phút trong đời bạn.  Bạn xây dựng lòng tin bằng cách yêu con người và thích con người.  Thể nào bạn khiến người ta thích bạn?  Hãy thích họ!

Bạn càng tin tưởng người ta và bày tỏ sự yếu đuối của bạn, họ càng tin tưởng bạn hơn.  Chúng ta thực sự giúp đỡ người khác nhiều hơn qua sự yếu đuối của chúng ta hơn là sức mạnh của chúng ta.  Nếu tôi chia sẻ sức mạnh của tôi với bạn, nó không giúp người ta được.  Nhưng nếu tôi chia sẻ sự yếu đuối của tôi và thể nào Đức Chúa Trời thăm viếng dù những yếu đuối đó, nó khích lệ người ta tiếp tục bước đi.  Bạn khiến người ta tin cậy bạn nhiều hơn bằng sự lãnh đạo đáng tin và khiêm nhường.

9) Hội thánh đang bị giết chết vì chủ nghĩa luật lệ.  Nhiều hội thánh thích chú ý giữ gìn luật lệ hơn là mối liên hệ.  Chúa Giê-su luôn chọn mối liên hệ hơn là luật lệ.  Con người mới quan trọng hơn là giữ ngày Sa-bát.  Có khác nhau giữa tiếp nhận (acceptance) và chấp nhận (approval).  Chúa Giê-su tiếp nhận tôi hoàn toàn, nhưng Ngài không chấp nhận mọi điều tôi làm.  Tiếp nhận không có nghĩa là chấp nhận, nhưng nó mang nghĩa yêu thương.

10) Hội thánh được cấu trúc để kiềm chế hơn là tăng trưởng.  Đây là vấn đề lớn, điều chúng ta sẽ trở lại trong tuần tới.



Translated by Thang Chu

March 16, 2012

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Cầu Nguyện Là Gì? (Phần 7)


*(mondoJesus.blogspot.com) Cầu nguyện là không phạm tội.   
Nói cách khác, không cầu nguyện là phạm tội.                             Đó là chân lý mà tiên tri Sa-mu-ên khám phá sau hàng chục năm phục vụ Đức Chúa Trời: “Nầy, các con trai tôi ở giữa anh chị em.  Tôi đã bước đi trước mặt anh chị em từ khi còn niên thiếu đến ngày nay . . . Ngoài ra, về phần tôi, tôi không muốn phạm tội với CHÚA mà ngưng cầu nguyện cho anh chị em.”  (I Sa-mu-ên 12:2, 23a -BD 2011).
Đó cũng là chân lý mà tôi từng trải trong tháng vừa qua để cầu nguyện khẩn thiết hơn, cầu nguyện 911.  Tôi xin kể cho bạn ba ơn phước cầu nguyện gần đây.

Trường hợp thứ nhất.  Bố tôi thường bị đau bụng kinh niên, đau đến ói mửa mà bác sĩ tìm không ra bịnh.  Chứng đau này đã khiến ông suy xụp ốm xọm mấy tháng qua.  Cách đây gần một tháng, tôi nằm phòng bên  nghe ông nôn mửa và rên rỉ.  Tôi liền cầu nguyện trong đau xót, trong tức giận vì thấy mình bất lực, và trong giận hờn vì Chúa không trả lời.  Rồi tôi khóc ròng, “Xin Chúa hãy cất cơn đau này khỏi thân thể bố, và nếu ai đó phải gánh lấy cơn đau này, thì con xin gánh lấy.” 
Bố đã được lành và lên cân gần 10 pounds trong vòng một tháng!

Trường hợp thứ hai.  Cũng trong đầu tháng Hai đó, 2012, chị Thuỷ trong hội thánh bị ói mửa, sợ hãi, và mất ăn mất ngủ.  Ít nhất chị đã vào nhà thương bốn lần mà không tìm ra bịnh, chưa kể những  lần đi bác sĩ.
Đã nhiều năm chị không đi thờ phượng Chúa vì phải làm ngày Chúa Nhật.  Cám ơn Chúa chị đến thờ phượng Chúa với chúng tôi khoảng tháng 10/2010 khi hội thánh có giờ thờ phượng lúc 9:00-10:00 sáng.  Vừa dứt tiếng A-men là cũng vừa lúc chị phóng xe ben ben đến sở trễ nửa tiếng. 
Hơn một năm trôi qua với đầy phước hạnh vật chất Chúa ban, chị nói với bà xã tôi, “Em thấy chị cực quá!  Thờ phượng xong, chị phải lo cho hội thánh ăn uống.  Xin chị cầu nguyện cho em được housing, thì em nghỉ hẳn ngày Chúa Nhật để phụ chị.” 
Vài tháng sau, 10/2011, Chúa trả lời chị.  Nhưng tiếc thay, cao bay lời hứa!
Bốn tháng sau, hội thánh nhập chung với anh chị em Thánh Đường Little Saigon thờ phượng lễ chính lúc 11:00 sáng. 
Chị Thủy nghỉ làm và cùng chồng dự buổi thờ phượng đầu tiên Chúa Nhật ngày 5/2/12 để “ủng hộ” hội thánh.  Chúa Nhật sau chị bỏ thờ phượng, đi làm lại, và bỏ luôn lớp huấn luyện môn đồ đang dở dang bài hai cuốn một. 
Trong tuần đó, chị ngã bịnh như trên đã nói.  Cuối tháng Hai đó, tôi gặp lại chị với đôi mắt lạc thần và lập tức nhận ra chị bị tà linh ám.
Có một điều trùng hợp lạ lùng.  Trước khi gặp lại chị Thuỷ, Lời Chúa ray rứt tôi về câu chuyện người đàn bà bị quỉ ám còng lưng suốt mười tám năm:

Vả, tại đó, có người đàn bà mắc quỉ ám, phải đau liệt đã mười tám năm; cong lưng chẳng đứng thẳng được.  Đức Chúa Giê-su vừa thấy gọi mà phán rằng: ‘Hỡi đàn bà kia, ngươi đã được cứu khỏi bịnh.’  Ngài bèn đặt tay lên mình người .  Tức thì, người đứng thẳng lên được, và ngợi khen Đức Chúa Trời.’  (Lu-ca 13:11-13)

Và Ngài tái xác định với những kẻ chống đối, “Cón gái của Áp-ra-ham này, quỉ Sa-tan đã cầm buộc mười tám năm, há chẳng nên mở trói cho nó trong ngày Sa-bát sao?” (c. 16)
Đúng vậy, Sa-tan đã trói buộc chị Thuỷ khiến chị buồn nôn, mất ăn, mất ngủ, bứt rứt trong người; cứ đòi đi nhà thương, bác sĩ, và đòi thuốc an thần.  Chiếu theo Kinh Thánh và thực tế, tôi tuyệt đối tin Sa-tan đã hành hạ chị như người đàn bà còng lưng mười tám năm. 
Và chúng tôi cùng gia đình chị quyết định cầu nguyện đuổi quỉ.
Mỗi lần cầu nguyện, mặt chị hồng hào, khởi sắc, và vui vẻ lạ lùng.  
Đặc biệt, hầu như trắng đêm thứ Bảy ngày 3/3/12, tôi cầu nguyện cho chị với nước mắt và tiếng khóc lớn, như Chúa Giê-su, “Khi còn trong xác thịt, Ngài đã đổ nước mắt và khóc thành tiếng, dâng lời cầu nguyện và nài xin lên Đấng có quyền cứu Ngài khỏi chết, và lời cầu xin của Ngài đã được nhậm vì Ngài đã kính cẩn vâng lời.” (Hê-bơ-rơ 5:7).
Chúa Nhật hôm sau chị hồi phục rất nhiều và cùng gia đình đi thờ phượng Chúa trở lại.
Tối thứ hai hôm sau, chúng tôi lại đến cầu nguyện cho chị.  Giờ đây chị đã bình phục nhiều lắm, đã nói chuyện, dọn dẹp, ăn uống và go shopping tối qua!  Chỉ còn giấc ngủ là chưa được nhiều lắm.

Trường hợp thứa ba.  Cứ mỗi mùa hạ khoảng tháng Bảy là bà xã tôi bị cơn đau bao tử hành hạ quặn thắt liên tục ba tháng.  Cầu nguyện cũng thế và bác sĩ cũng bó tay.  Thế nhưng lần này cơn đau lại đến trước cả mùa xuân!  Ba ngày liên tục từ ngày 6-8 tháng Ba này, Duyên không ngủ được, chỉ nằm thở hộc.  Tôi cầu nguyện cho Duyên và lần đầu tiên dám xin, “Xin Chúa trút cơn đau của Duyên qua con.  Con không thể chứng kiến cơn đau bao tử hành hạ Duyên nữa.  Và con biết Chúa sẽ chữa lành con vì con tức lắm rồi, tức vì ma quỷ chiến thắng.  Chả lẽ Chúa cứ mãi để Duyên đau đớn vậy sao?”  Và tôi khóc lớn.  Lập tức cơn đau dịu dần, thỉnh thoảng hơi rêm.     
Rõ ràng qua lời cầu nguyện “đổ nước mắt và khóc thành tiếng” như Chúa Giê-su cầu nguyện khi còn trong xác thịt, Đấng có quyền cứu Chúa khỏi chết sẽ trả lời cho chúng ta ngay lập tức.  Nhờ thế, chúng ta qua lời cầu nguyện 911 đó đã cứu thoát người thân, người bạn, và chính chúng ta thoát khỏi bịnh tật, khỏi tà linh, khỏi quỷ dữ, khỏi hoạn nạn.  Vậy, ngược lại, theo lý luận logic, nếu không cầu nguyện thì Sa-tan tiếp tục trói buộc và hành hạ người thân, người bạn, và chính chúng ta.  
Tức là, không cầu nguyện là phạm tội.  Phạm tội không cứu người thân, người bạn, và chính chúng ta.
Có thể nói, tội đó là tội ác, vì đã không cứu người.
Thứ Sáu cách đây hai tuần, một tín hữu gặp tôi trong giờ cầu nguyện hàng tuần tại UCC, vừa cười vừa nói, “MS Thắng lên mạng bắn tùm lum nha!”  Tôi không hiểu ý tín hữu ấy nói tôi bắn viên đạn hay viên ngọc? Nếu là viên ngọc, xin bạn cầu nguyện cho tôi, để cứu tôi khỏi sự lười biếng học tập, suy tư, cầu nguyện, để rồi tôi siêng năng viết nhiều hơn nữa.  Còn nếu là viên đạn, xin cầu nguyện để đó là viên đạn Hollywood có âm, có lửa, nhưng không có đầu!


by Thang Chu

March 9, 2012